Cảnh giác với ngộ độc rượu ngâm
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từng cấp cứu trường hợp ngộ độc rượu mã tiền. Đến nhà bạn chơi người đàn ông thấy chai rượu thuốc lấy ra uống và kết quả ngộ độc.
Ngộ độc rượu thuốc ngâm thường xuyên xảy ra và các cơ sở y tế đã từng ghi nhận các ca như vậy. PGS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai chia sẻ ông cũng từng cấp cứu cho trường hợp ngộ độc rượu mã tiền, một loại rượu để xoa bóp ngoài da nhưng vì người bạn đến chơi không biết nên lôi ra uống.
Trước đó, tại xã Xuân Minh (huyện Quang Bình, Hà Giang) xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây. Cụ thể, trong lúc ăn cơm cùng gia đình, ông Triệu Chòi V (sinh năm 1971) mang ra một chai rượu ngâm rễ cây (nghi là cây hoàng đàn) để mọi người cùng uống.
Tuy nhiên, chỉ có ba người uống rượu này là ông Triệu Chòi V, bà Phượng Mùi L và anh Phượng Tà Ch. Sau khi uống rượu, ông V có biểu hiện khó thở, buồn nôn rồi sau đó tử vong tại nhà. Còn bà L, anh Ch được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời cho nên đã qua cơn nguy kịch…
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới - Quảng Bình đã cấp cứu cho bốn nam thanh niên ở xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) bị ngộ độc do uống nhầm rượu ngâm hạt mã tiền. Cụ thể, bốn bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, cơ thể đều tím tái, sùi bọt mép. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch thải độc, an thần cho bệnh nhân và chuyển lên Khoa Điều trị tích cực và chống độc. Hiện, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe đã ổn định. Theo người nhà các bệnh nhân, do chủ nhà lấy nhầm chai rượu ngâm hạt mã tiền vốn để xoa bóp ra uống cho nên đã gây ngộ độc…
Ảnh minh hoạ. |
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ – Trương đơn vị điều trị ban ngày, BV Đại học Cơ sở 3, TP.HCM cũng chia sẻ ông gặp nhiều ca ngộ độc rượu thuốc ngâm do người dân tự ngâm các loại rễ cây, lá, quả thậm chí nội tạng động vật, xương động vật. Có trường hợp ngâm cả xương mèo đen….
Các ca ngộ độc rượu thuốc có thể do mua nhầm loại có độc: người thu hái nhầm các loại rễ cây có độc như lá ngón, mã tiền, hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược... phần lớn là dược liệu thuộc bảng độc A, đem về phơi khô rồi bán. Khi thuốc khô và được băm nhỏ, khó nhận dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.
Nhiều trường hợp người ta sử dụng hoá chất để bảo quản như một số chất độc: lưu huỳnh, chì, kẽm, thạch tín, nhôm, được phun hoặc bôi lên bề mặt dược liệu, nếu mua thuốc về ngâm rượu ngay thì chất độc khuếch tán rất nhanh, uống vào sẽ bị nhiễm độc. Do nấm mốc phát triển trên dược liệu vì bảo quản không đúng quy cách, chính các độc tố sản sinh từ nấm mốc, nhất là aflatoxin, dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn lâu dài dẫn đến ung thư gan.
Do phản ứng hóa học trong rượu: rượu là dung môi có thể hòa tan rất nhiều chất có lợi cũng như có hại trong các vị thuốc, trong đó đáng kể là nhóm ancaloit, saponosit ở liều cao gây phá huyết, tanoit gây kích ứng niêm mạc ruột... dễ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.
Đặc biệt, bác sĩ Vũ cho biết có thể ngộ độ do tương tác bài thuốc. Ví dụ theo y học cổ truyền, khi dùng chung các vị thuốc với nhau sẽ xuất hiện sự tương tác. Trong đó có hiện tượng tương phản giữa các chất có trong thuốc, cũng như khi uống rượu thuốc rồi ăn chung với những món ăn dễ xảy ra sự tương kỵ làm người dùng bị phản ứng ngộ độc gây co giật, sốt cao, bứt rứt, tay chân bải hoải, mất kiểm soát ý thức, đau đớn và sưng phù toàn thân.
Để phòng ngộ độc rượu thuốc, bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân không uống rượu ngâm với thuốc không rõ nguồn gốc, tên tuổi. Các loại rượu thuốc đều có chỉ định điều trị rõ ràng, nếu không biết không nên sử dụng, liều lượng nhất định trong ngày theo chỉ định, không nên lạm dụng để uống cho say xỉn.
Chú ý cách sử dụng để không nhầm lẫn cách sử dụng, rượu thuốc loại nào để uống, loại nào để dùng bôi bên ngoài. Không nên dùng rượu thuốc thoa lên những vùng da mỏng, nhạy cảm như da mặt, bởi trong rượu có chứa cồn, không hề tốt cho da.
Khánh Chi