Cảnh báo sốt xuất huyết giữa mùa dịch Covid-19
Sau nhiều ngày sốt cao liên tục, trẻ chuyển tay chân lạnh, đau bụng... gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu thì trẻ đã nguy kịch, không đo được mạch.
Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì nhiều ca bệnh nặng liên quan tới sốt xuất huyết. Theo BSCK II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố TP.HCM, tuần qua bệnh viện tiếp nhận cuộc gọi của đồng nghiệp từ Khoa Hồi sức nhi – Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp hội chẩn về một trường hợp trẻ H. T. H. 6 tuổi, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng cơ địa dư cân, béo phì, 36kg (bình thường ở tuổi này 20-22 kg).
Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau nhức mình, ói mửa, ngày thứ 5 trẻ biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt, ói ra dịch lợn cợn nâu nên nhập viện địa phương trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp khó đo, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ.
Tuy nhiên chỉ trong 6 giờ đầu, trẻ biểu hiện suy hô hấp nặng bụng chướng căng, ói ra máu, đi cầu phân đen, huyết động không ổn định, xét nghiệm máu cho thấy trẻ tổn thương gan nặng (men gan > 1000 đv/L) nên được hội chẩn các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thống nhất đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục truyền dịch chống sốc và chuyển viện.
Bác sĩ Tiến khám cho bệnh nhân. |
Tại đây, trẻ được hỗ trợ hô hấp thở máy, tiếp tục chống sốc, đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng thuốc vận mạch. Trẻ diễn tiến nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, tổn thương gan thận, được tiếp tục chống sốc bằng cao phân tử dextran 40 10%, truyền máu và chế phẩm máu, điều chỉnh toan, điều trị hỗ trợ gan thận.
Sau 1 tuần điều trị tình trạng trẻ ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo. Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận, được cứu sống nhờ phối hợp chặt chẽ giữa 2 bệnh viện.
Vào tháng 7, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận điều trị cho 5 trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết ở trẻ dư cân, béo phì, gồm các trẻ L. T.Kh. nam, 10 tuổi, 51kg (bình thường ở tuổi này 28-30 kg), Ng. Th. Nh. 9 tuổi, nam, 55 kg, (bình thường ở tuổi này 26-28 kg), L. Tr. K. 11 tuổi, nam, cân nặng 56kg (bình thường ở tuổi này 30-32 kg), đều ngụ ở Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, Ng. G. H. 6 tuổi, nam, cân nặng 32kg (bình thường ở tuổi này 20-22 kg), ngụ tại Tân Biên, Tây Ninh, D. P. 11 tuổi, nam, cận nặng 56 kg (bình thường ở tuổi này 34-36 kg), ngụ An Bình, Kiên Giang.
Khai thác bệnh sử ghi nhận các trẻ sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau mình mẩy, ói mửa, Ngày 5 các trẻ biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt nên nhập viện địa phương được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết điều trị truyền dịch chống sốc, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo BS Tiến, bệnh sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong… Trong giai đoạn đầu khởi bệnh thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi, tay chân miệng…nên phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh của trẻ để có hướng chăm sóc thích hợp cũng như đưa trẻ đến khám cơ sở y tế kịp thời.
Dấu hiệu bệnh thường gặp ở trẻ lớn là trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt hạ có bớt nhưng sau đó sốt trở lại. Thông thường 2 ngày đầu trẻ có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như các triệu chứng cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen. Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.
BS Tiến lưu ý phụ huynh lưu ý khi thấy con em mình sốt trên 2 ngày đặc biệt nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu răng,.. đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị cấp cứu kịp thời.
K.Chi