Cảnh báo khách nước ngoài quay flycam ở Sơn Trà liên quan đến Vùng 3 Hải quân
Theo Đại tá Trần Văn Chung, cùng với sự tăng trưởng khách du lịch đến Đà Nẵng thì cũng kéo theo một số tình hình phức tạp. Năm 2016, nổi lên một số vi phạm như sử dụng hướng dẫn viên (HDV) người nước ngoài thuyết minh không đúng về lịch sử Việt Nam; khách nước ngoài đốt tiền Việt Nam; hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh, visa du lịch nhưng lại sang Việt Nam làm HDV...
Công an Đà Nẵng cảnh báo việc khách du lịch nước ngoài quay phim bằng flycam trên núi Sơn Trà có liên quan đến Vùng 3 Hải quân (Ảnh: HC) |
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2017, nổi lên tình trạng khách du lịch nước ngoài sử dụng thẻ thanh toán (thẻ visa) giả để thanh toán cho các cơ sở lưu trú. Có trường hợp khách nước ngoài thanh toán đến 10.000 USD (trong đó có 4.000 USD trả cho HDV, 6.000 USD trả cho khách sạn) nhưng đến khi khách đi rồi mới phát hiện, và hiện cơ quan an ninh kinh tế đang tiến hành điều tra, xác minh.
“Cái này mấy năm nay đã có rồi, chúng tôi đã gửi cảnh báo cho các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn nhưng vẫn xảy ra. Năm ngoái, chúng tôi đã bắt 2 khách du lịch Trung Quốc đang sử dụng thẻ visa giả thanh toán cho một công ty lữ hành, mới đây đã đưa ra tòa xét xử. Đây là vấn đề đáng báo động.
Khách thanh toán xong rồi thì họ bỏ đi, ngay cơ sở lưu trú cũng không biết được. Đến khi ngân hàng ngoại thương thông báo khách hàng ở Mỹ cho biết thẻ visa đó ăn trộm tài khoản của họ, không được thanh toán thì ngân hàng ngoại thương buộc khách cơ sở lưu trú đó phải trả tiền, còn khách thì đã đi mất. Thậm chí cơ sở lưu trú còn mất thêm tiền Việt đã ứng để trả cho HDV vì nghĩ là khách thanh toán bằng thẻ visa rồi. Cái này là do các đơn vị lữ hành quản lý khách không chặt nên mới để xảy ra như thế!” – Đại tá Trần Văn Chung nói.
Điều đáng báo động thứ hai, theo Đại tá Trần Văn Chung, là tình trạng khách du lịch nước ngoài sử dụng flycam để quay phim “du lịch” nhưng thực chất là quay phim các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.
Ông nhấn mạnh: "Ngay với khách trong nước, muốn quay phim bằng flycam cũng phải xin phép, nhưng ở đây các đơn vị lữ hành lại để cho khách nước ngoài tùy tiện sử dụng flycam quay phim trên núi Sơn Trà có liên quan đến Vùng 3 Hải quân... Đây là vấn đề mà các đơn vị lữ hành cần phải hết sức lưu ý!".
Một vấn đề cảnh báo khác mà hầu như các danh nghiệp lữ hành không chú ý, đó là để cho các đoàn tour nước ngoài làm băng rôn tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc... căng ra rồi chụp ảnh, trong khi dân mình không biết những băng rôn đó có nội dung gì. Tình trạng này thường xảy ra vào thời điểm khách đi tour mở (đi tự do) trong vòng mấy tiếng đồng hồ, không có HDV quản lý và công ty lữ hành cũng không phổ biến cho khách các quy định về nội dung này. Từ đó gây nên những phản ứng bất bình trên báo chí cũng như trong dư luận người dân.
Đại tá Trần Văn Chung nhấn mạnh, TP Đà Nẵng đang thực hiện chương trình “4 an”, trong đó có “2 an” liên quan đến lực lượng công an, là “an ninh trật tự” và “an toàn giao thông”. Về an toàn giao thông, Đại tá Trần Văn Chung đề nghị các công ty lữ hành lưu ý vấn đề xe vận chuyển khách khi tổ chức các tour, tuyến. Do lẽ, đã có tình trạng xe chở khách du lịch nhưng không còn hạn đăng kiểm.
Về an ninh trật tự, Đại tá Trần Văn Chung cho biết, Công an Đà Nẵng đã có kế hoạch riêng giữa Phòng An ninh kinh tế, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an các quận, huyện tăng cường kiểm tra các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch và người nước ngoài du lịch trên địa bàn TP. Qua gần một năm triển khai thực hiện đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, như hoạt động trái với mục đích nhập cảnh và đã rút giấy phép của 2 đơn vị lữ hành cho người nước ngoài núp bóng để mở các văn phòng, công ty...
Theo Đại tá Trần Văn Chung, Đà Nẵng sắp bước vào mùa cao điểm du lịch và lượng du khách nước ngoài đến địa bàn TP trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh. Vì vậy ông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch đảm bảo việc thông tin và có sự phối hợp thường xuyên trong công tác kiểm tra, quản lý.
“Tôi nghĩ quản lý là chủ yếu, còn kiểm tra thì khi có phát hiện vi phạm mới tiến hành. Các doanh nghiệp cần quản lý, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở khách, còn để xảy ra những sự việc quá đáng, lực lượng chức năng phải vào kiểm tra, xử lý thì sẽ rất phức tạp. Có thể từ một việc nhỏ nhưng ngay từ đầu không nhắc nhở, để nó nặng lên, khi kiểm tra, xử lý lại thành ra việc lớn. Quan điểm của chúng tôi là nhắc nhở, chấn chỉnh ngay từ đầu để vừa làm tốt công tác quản lý nhà nước, vừa phục vụ tốt cho hoạt động của doanh nghiệp!” – Đại tá Trần Văn Chung nói.