Cảnh báo các bệnh tiêu hóa dịp Tết
GS Nguyễn Khánh Trạch chia sẻ về các bệnh rối loạn tiêu hóa ngày Tết. |
Rối loạn tiêu hóa ngày Tết
Theo GS Nguyễn Khánh Trạch – Bệnh viện đa khoa An Việt nguy cơ ngộ độc, các bệnh đau bụng, rối loạn tiêu hóa những ngày sau Tết luôn tăng cao.
Hiện nay, người dân đã có thói quen ăn uống tốt hơn, có tủ lạnh bảo quản nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen xấu tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh, để “ngâm” trong tủ lạnh thời gian dài dẫn tới thức ăn nhiễm vi sinh và khi ăn vào có thể gây ngộ độc thực phẩm.
PGS Trạch cho biết nếu ăn các loại thức ăn để qua đêm hoặc để quá 6 giờ đồng hồ (với quãng thời gian này, nếu thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, chúng sẽ phát triển nhanh chóng). Lúc này, bị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, có thể tiêu chảy nhiều lần trong ngày làm mất nước, chất điện giải rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến trụy tim mạch. Nếu thức ăn, đồ uống nhiễm một số loại vi khuẩn gây bệnh có độc lực mạnh như tụ cầu vàng (S. aureus), trực khuẩn ngộ độc thịt (C. botulinum), tình trạng bệnh sẽ rất nặng.
Không chỉ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây tiêu chảy, ngày Tết, vấn đề táo bón cũng gia tăng. Do thói quen ăn nhiều thịt, uống nhiều bia rượu mà quên không ăn rau xanh, hoa quả khiến tình trạng táo bón nặng hơn.
Thêm vào đó, trong những ngày Tết ít vận động cơ thể càng làm cho hiện tượng táo bón dễ xảy ra, thậm chí táo bón kéo dài trong nhiều ngày sau Tết. Trong khi đó, táo bón sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ăn uống như thế nào?
TS, BS Trương Hồng Sơn – Viện y học Ứng dụng Việt Nam cho biết ngày Tết cũng cần duy trì một thực đơn an toàn dịp tết là cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm, bảo đảm đủ bốn nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
Bữa sáng rất quan trọng, nên ăn sáng thật no và đầy đủ dinh dưỡng sau đó mới nên đi chúc Tết. Mọi người cũng nên ăn đủ ngày ba bữa, nên ăn ít chất bột đường, ít chất béo, nên ăn nhiều thịt nạc, rau, củ, quả, tránh ăn nhiều bánh kẹo dẫn đến chán ăn bữa chính. Nên hạn chế ăn quá nhiều trong một bữa vì cơ thể chưa kịp tiêu hóa lại ăn tiếp bữa khác sẽ làm tăng cân nhanh.
Trái cây các loại là loại thực phẩm được khuyến cáo nên dùng nhiều nhất trong những ngày Tết, vì đây là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, là nguồn cung cấp nước, chất xơ làm cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày xuân. Đương nhiên, để tốt nhất cho sức khỏe, chỉ nên ăn những loại trái cây còn tươi, sạch sẽ không dập nát, không có những vết thâm hay úng bên trong thịt quả cho dù vỏ bên ngoài tươi đẹp.
Những loại trái cây như cam, quýt, bưởi rất tốt cho những ngày này vì nhiều nước, nhiều chất xơ, giàu vitamin C, có lớp vỏ tự nhiên có thể bảo quản lâu và thuận tiện khi mang theo trong những chuyến đi ngắn ngày dịp Tết.
TS Sơn cũng khuyến cáo, nếu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ (chỉ nôn ói, tiêu chảy…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ chất độc.
Ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, nếu dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm. Nếu tình trạng bệnh nặng, phải chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.