Căng thẳng Triều Tiên: Lỗi từ Mỹ và Trung Quốc
Trung Quốc “thờ ơ” với vấn đề Triều Tiên?
Thứ Bảy (13/4), ông John Kerry, trong chuyến thăm tới Trung Quốc lần đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, mang theo một thông điệp rằng Hoa Kỳ có kế hoạch sẽ tăng cường phòng thủ tên lửa ở Alaska và Guam nhằm hướng tới Bình Nhưỡng chứ không phải Bắc Kinh. Và giờ đây, vì lợi ích an ninh của chính mình, Trung Quốc nên kiềm chế Triều Tiên.
Sau Hàn Quốc, Trung Quốc là điểm đến thứ hai trong chuyến công du Đông Bắc Á đầu tiên với tư cách Ngoại trưởng Mỹ của ông John Kerry. Chuyến thăm bắt đầu từ ngày 13/4/2013. |
Trong khi các quan chức Mỹ hy vọng việc triển khai chương trình tên lửa sẽ có sự thống nhất từ phía Trung Quốc thì một nguy cơ khác có khả năng sẽ xảy ra. Trung Quốc thay vì gật đầu với Mỹ sẽ cho mở rộng kế hoạch tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình, thúc đẩy phản ứng tương tự từ các quốc gia khác trong khu vực. Cộng với những hành động gần đây của Triều Tiên, quy mô vũ khí hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đang gây nguy hiểm cho toàn khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề trầm trọng như hiện nay là bởi thiếu sự đối thoại thường xuyên giữa Trung Quốc và Mỹ về an ninh hạt nhân để xây dựng lòng tin và sự hiểu biết về các lực lượng hạt nhân chiến lược của nhau. Trước đây, Washington và Matxcơva đã có được các cuộc đối thoại nhất định kể từ Chiến tranh Lạnh, đã giúp hai bên tránh tính toán sai lầm và cuối cùng đã đưa ra được các hiệp ước giảm lượng vũ khí hạt nhân và chia sẻ thông tin liên quan.
Mối quan hệ Trung – Mỹ có những đặc điểm khác hơn bởi ảnh hưởng kinh tế sâu sắc và khả năng quân sự của Trung Quốc vẫn còn kém hơn Mỹ nhiều, tuy nhiên lại không thể tạo ra một mô hình tích cực như quan hệ Nga – Mỹ.
Trung Quốc đã có những động thái chống lại nỗ lực của Mỹ khi Mỹ muốn nước này tham gia vào một cuộc đối thoại cấp cao về an ninh năng lượng hạt nhân bền vững. Thậm chí, ngay cả các vấn đề quân sự thông thường, trao đổi giữa hai bên cũng rất hạn chế. Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đã nói với Thượng viện Mỹ rằng ông không hề tiếp xúc với các đối tác Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Triều Tiên trong 2 tuần trước đó.
Ngày 12/4, tại Seoul, Ngoại trưởng Kerry nói rằng Bắc Kinh nên có trách nhiệm hơn với chính sách phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. “Trung Quốc có một khả năng rất lớn để tạo ra sự khác biệt ở khu vực”, ông nói.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Nhiều chuyên gia dân sự Trung Quốc đồng ý rằng hiếu chiến của Triều Tiên gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nhưng quân đội Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong mối quan hệ với Triều Tiên, đã xem Bình Nhưỡng như một vùng đệm để chống lại các lực lượng Mỹ kể từ khi chính quyền Obama đưa ra chiến lược "trục tới châu Á" trong khu vực.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không muốn làm gì hơn một vài bước hạn chế thể hiện sự không hài lòng của mình với Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh lại thể hiện khả năng để chống lại các kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng cách nâng cấp các kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ của Trung Quốc.
Trung Quốc đưa tên lửa hạt nhân tham gia vào cuộc diễu hành lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nước tại Bắc Kinh, ngày 1/10/2009. Nga ước tính Trung Quốc có đến 3.000 đầu đạn hạt nhân được giấu ở các vùng núi. |
Sĩ quan quân đội cấp cao Trung Quốc hiếm khi nói chuyện trước công chúng về các vấn đề hạt nhân, nhưng tuần này, Quân đội Giải phóng Nhân dân và các chuyên gia hạt nhân hàng đầu đã đưa ra quan điểm chiến lược của nước này về cuộc khủng hoảng tại một hội nghị ở Washington.
"Sự phát triển hiện nay, đặc biệt là việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Á sẽ là một yếu tố rất đáng lo ngại (trong mắt Trung Quốc), có tác động đối với tính toán của kho vũ khí hạt nhân và chiến lược của Trung Quốc", Thiếu tướng Yao Yunzhu, một nhà nghiên cứu cấp cao của Học viện Khoa học Quân sự của Trung Quốc cho biết.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, ra mắt vào giữa những năm 1950, bắt nguồn từ những lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh Triều Tiên hay một cuộc xung đột với Đài Loan. Trung Quốc không tiết lộ kích thước của kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng các quan chức và chuyên gia Mỹ ước tính nó vào khoảng 240 đầu đạn hạt nhân.
Chỉ để đối đầu với Mỹ?
Bắc Kinh đã không bao giờ tìm cách để phù hợp với khả năng hạt nhân của Mỹ, nhưng đã cố gắng thiết lập những "răn đe tối thiểu" bằng cách xây dựng lực lượng hạt nhân, chống lại cuộc tấn công hạt nhân trên đất Trung Quốc nếu nó xảy ra và tiến hành trả đũa bằng "cuộc tấn công thứ hai".
Trung Quốc từ lâu đã phản đối lá chắn tên lửa Mỹ với lý do nó sẽ vô hiệu hóa khả năng quân sự của Trung Quốc và vì nó được Mỹ triển khai cùng với các đồng minh ở Đông Á. "Trung Quốc có một số tranh chấp với một số các đồng minh của Mỹ. Triển khai chương trình này có nghĩa là Mỹ sẽ xâm nhập sâu hơn hệ thống chỉ huy và kiểm soát, và có thể sẽ có tác động đối với Trung Quốc", bà Yao nói.
Bà cho rằng sự mở rộng của chiếc ô hạt nhân của Mỹ để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản chính là một động lực thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Các quan chức Mỹ nói rằng đảm bảo sẽ bảo vệ các đồng minh của Mỹ và khuyến khích họ phát triển vũ khí hạt nhân của mình.
Trung Quốc ủng hộ một giải pháp đàm phán trên bán đảo Triều Tiên thông qua "6 bên" bao gồm Bắc Kinh, Seoul, Bình Nhưỡng, Tokyo, Matxcơva và Washington. Kể từ khi các cuộc đàm phán bị dừng lại trong năm 2009, Trung Quốc đã đầu tư vào khu vực biên giới của mình để cố gắng khuyến khích cải cách thị trường kiểu Trung Quốc ở Triều Tiên.
Một số quan chức và các nhà phân tích Mỹ cho rằng đã có sự thay đổi từ Bắc Kinh bởi những động thái gần đây của họ: ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, giữ im lặng khi Mỹ cử các máy bay chiến đấu tới Hàn Quốc, cho phép các phương tiện truyền thông trong nước chỉ trích trực tiếp Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan điểm phổ biến của các chuyên gia quân sự Trung Quốc là Bắc Kinh không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, ngay cả khi Triều Tiên bị cắt tất cả các hỗ trợ kinh tế.
Một chuyên gia quân sự giấu tên của Trung Quốc cho biết thái độ với Triều Tiên của Trung Quốc về cơ bản không thay đổi. Và cách duy nhất để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là để Washington có sự hòa giải với Bình Nhưỡng. Ông cũng cho biết kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. "Tôi không muốn thấy Trung Quốc, Mỹ và Nga tham gia vào một chu kỳ mới của chiến tranh", ông nói.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết động thái mới nhất của Mỹ không ảnh hưởng đến định hướng tổng thể của kế hoạch hạt nhân dài hạn của Trung Quốc. Kế hoạch này bao gồm việc ra mắt tàu ngầm trang bị hạt nhân đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra năm 2014. Nhưng Trung Quốc có khả năng sẽ điều chỉnh quy mô và chi tiết của kế hoạch bao gồm cả số lượng đầu đạn hạt nhân và tên lửa chiến lược. Nước này cũng sẽ triển khai các hoạt động của tàu ngầm hạt nhân của mình, sản xuất thêm nhiều đầu đạn hạt nhân để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Với Trung Quốc, tăng cường lực lượng vũ khí hạt nhân không chỉ để đối đầu với Mỹ, mà bên cạnh đó là Ấn Độ, nước hiện có hơn 100 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Nga tỏ ra quan ngại với khả năng hạt nhân của Trung Quốc. Nước này dự đoán Trung Quốc có thể có nhiều hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân được giấu trong các đường hầm và hầm núi và khả năng đã sắp tương đương với Nga và Mỹ.