Căng thẳng ở Biển Đông còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - TQ?
Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Li Kaisheng tại Viện Các mối quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải được tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng tải.
Căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung một lần nữa dậy sóng sau sự kiện ngày 30/9, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Phía Trung Quốc đã phát đi cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực, đồng thời điều động tàu khu trục lớp Luyang tới xua đuổi.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Trong tuyên bố vào cuối ngày 1/10, hải quân Mỹ khẳng định tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động áp sát nguy hiểm của tàu chiến Trung Quốc khiến tàu khu trục USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.
Tuy nhiên, vào ngày 2/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên tiếng cáo buộc Mỹ “xâm phạm chủ quyền” trên Biển Đông.
Tới ngày 4/10, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh, Mỹ sẽ không lùi bước trước những hành động mà Washington xem là trò bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Bất chấp những hành động khiêu khích, Mỹ vẫn sẽ thực hiện các chuyến bay và chuyến tàu hoạt động trên vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế cũng như để đảm bảo lợi ích của quốc gia. Chúng ta sẽ không để bị bắt nạt. Chúng ta sẽ không rút lui”, Reuters dẫn lời ông Pence.
Bởi trong những năm gần đây, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp và vô căn cứ trên phần lớn diện tích Biển Đông. Để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo và điều động tàu chiến cũng như máy bay tới khu vực.
Ngoài vấn đề Trung Quốc ngang nhiên bành trướng ở Biển Đông, bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ còn liên tiếp đưa ra những lời cáo buộc về chuyện nội bộ Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh can thiệp vào chuyện của các quốc gia khác và cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ - Trung.
Một số tờ báo nhận định, tình hình trên Biển Đông sẽ còn nhiều lần rơi vào căng thẳng, trong bối cảnh Trung Quốc quyết tâm đối đầu và đuổi Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương. Và giờ là lúc, Mỹ cần động viên các đồng minh và đối tác tham gia vào hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát.
Ông Li thì cho rằng, kết hợp với những tranh chấp khác giữa Mỹ - Trung, hoàn toàn có cơ sở để cho rằng “một cuộc chiến tranh lạnh mới” sắp xảy ra.
Tuy nhiên, trong tháng Tám, Trung Quốc đã đồng thuận với bản nháp Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đây được xem là nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Bắc Kinh cũng khẳng định, thỏa thuận giữa hai bên cho thấy các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết.
Do đó, một số ý kiến nhận định nếu Mỹ không điều động tàu chiến vào Biển Đông, tình hình căng thẳng sẽ không xuất hiện do các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực đã gần như có chung suy nghĩ về việc bảo vệ và duy trì sự ổn định của vùng biển chiến lược.
Về phần mình, ông Li lại cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dần biến thành một cuộc đối đầu chiến lược toàn diện, Washington vẫn sẽ gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc điều tàu chiến áp sát nguy hiểm tàu khu trục của hải quân Mỹ trên Biển Đông hôm 30/9.
Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia, ông Carl Thayer nhấn mạnh, động thái của Trung Quốc là nhằm khẳng định Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý mà quốc gia này tuyên bố trên Biển Đông.
“Đây là hành động mang tính khiêu khích và nguy hiểm nhất mà Trung Quốc thực hiện kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Toàn bộ các chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông đều bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc phát cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực, nhưng chưa có tàu chiến nào tiến lại gần tàu và gây nguy hiểm cho tàu chiến Mỹ như tàu khu trục lớp Luyang hôm 30/9”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Thayer.
Nhà nghiên cứu Li giải thích Mỹ - Trung cần tránh để cuộc chiến thương mại song phương biến thành màn đối đầu chiến lược, bởi quan hệ đôi bên hiện ở mức xấu nhất kể từ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ USS Decatur (bên trái) và tàukhu trục lớp Luyang của Trung Quốc chạm trán trên Biển Đông hôm 30/9. |
Trên thực tế, xung đột hiện nay giữa Mỹ - Trung lại xuất phát từ chính sự bất đồng quan điểm về lĩnh vực luật pháp, trật tự quốc tế và sự thống trị toàn cầu. Dù sự cạnh tranh này là không thể tránh khỏi nhưng nếu cạnh tranh bị đẩy lên cao trào, nó sẽ biến thành mối nguy hiểm và dẫn tới xung đột quân sự, ông Li chia sẻ.
Cụ thể, theo ông Li, đối đầu thương mại sẽ không có xung đột quân sự. Nhưng liên quan tới chủ quyền và quân sự ở Biển Đông, hai vấn đề mang tính nhạy cảm cao, chiến tranh là điều khó nói trước. Nói cách khác, một khi màn đối đầu Mỹ - Trung trở thành vô giới hạn, việc tàu chiến Mỹ - Trung áp sát nhau nguy hiểm trên Biển Đông sẽ còn tái diễn.
Cũng theo ông Li, lịch sử đã chứng minh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoàn toàn có thể được giải quyết. Nếu các bên có suy nghĩ khác nhau về tự do hàng hải, họ có thể dùng tới chính trị và luật pháp để phân giải chứ không phải bằng vũ lực. Còn trong trường hợp, căng thẳng ở Biển Đông vẫn dậy sóng thì nền hòa bình và ổn định ở khu vực khó lòng giữ vững. Hơn ai hết, nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất chính là các nước trong vùng, ông Li kết luận.