Căng thẳng khiến nhiều người trẻ bỗng dưng béo phì
Tăng cân phi mã vì căng thẳng
Bệnh nhân N.M.D quê Hạ Long, Quảng Ninh, tìm tới PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khám tư vấn giảm cân. Trong 3 năm qua, D. tăng hơn 30kg.
Theo chia sẻ của D., anh làm kinh doanh du lịch. Từ khi có dịch Covid-19, áp lực kinh doanh và nợ ngân hàng khiến D. rơi vào căng thẳng. Càng căng thẳng, D. càng ăn nhiều và tăng cân. Từ một thanh niên nặng 67kg, D. tăng cân không kiểm soát, chỉ trong hơn một năm tăng lên 90kg.
Trước khi nhập viện, anh đã áp dụng nhiều biện pháp ăn kiêng nhưng không hiệu quả. Trước đó, anh còn nhịn ăn nhưng rơi vào tình trạng mệt mỏi, tụt huyết áp. Do đó, anh muốn can thiệp giảm cân bằng ngoại khoa.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 25 tuổi, trú tại Hà Nội, cân nặng tăng phi mã vì căng thẳng. PGS Tuấn chia sẻ bệnh nhân đến gặp bác sĩ với chỉ số cơ thể BMI lên tới 35, nặng 95kg. Cô gái trẻ được ba mẹ cho đi du học tại châu Âu. Sau 3 năm, cô đã tăng 40kg. Khi về Việt Nam, cô gái đã áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng nhưng không hiệu quả.
Theo PGS Tuấn, bệnh nhân béo phì tìm tới khám và xin tư vấn giảm béo ngày càng tăng. Trong đó, nhiều bạn trẻ bỗng dưng tăng cân không kiểm soát và đa phần đều do áp lực cuộc sống, căng thẳng trong công việc, học tập.
Vì sao stress gây tăng cân?
Nhiều người cho rằng càng mệt mỏi, căng thẳng bạn sẽ không béo lên nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Đây là thủ phạm gây ra chứng béo phì.
PGS Tuấn lý giải căng thẳng thần kinh kéo dài có thể gây tăng cân và béo phì do ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết và cảm giác đói. Cơ chế gây béo phì bao gồm:
Tác động của hormone: Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất hormone cortisol để giúp cho bạn đối phó với tình huống stress. Tuy nhiên, khi stress kéo dài, cơ thể sẽ liên tục sản xuất cortisol, làm tăng mức đường huyết và insulin trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến sự tích trữ chất béo trong cơ thể và gây tăng cân và béo phì.
Cảm giác đói: Khi stress, cơ thể có thể sản xuất hormone ghrelin, hormone này giúp tăng cảm giác đói của cơ thể. Khi stress kéo dài, cơ thể sẽ sản xuất quá nhiều hormone ghrelin, dẫn đến sự thèm ăn liên tục và ăn nhiều hơn, đặc biệt là ăn các loại thức ăn giàu đường và chất béo. Những thức ăn này có nhiều calo và khi bạn tiêu thụ nhiều calo hơn năng lượng bạn sử dụng, bạn sẽ tích trữ chất béo và gây tăng cân và béo phì.
Thay đổi thói quen ăn uống: Khi stress, nhiều người có xu hướng ăn quá nhiều hoặc ăn những loại thức ăn không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ béo... Điều này có thể dẫn đến tăng cân và béo phì nếu bạn tiêu thụ nhiều calo hơn năng lượng bạn sử dụng.
Vì vậy, để giảm nguy cơ tăng cân và béo phì do stress, PGS Tuấn cho rằng các bạn trẻ cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giảm tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ngọt và béo, tập luyện thể thao đều đặn, thực hành các kỹ năng giảm stress như yoga, hít thở sâu, đi dạo... Điều này sẽ giúp giảm tác động của cortisol, giảm cảm giác đói và giảm nguy cơ tăng cân và béo phì.
Phương Thúy