Cần nhanh chóng xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài
Hội thảo khoa học "Công tác nhân tài của Đà Nẵng - Tình hình và giải pháp" do Ban Tổ chức TƯ tổ chức sáng 26/4 tại Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Nhân tài nước ta chưa nhiều lắm!
Đề tài "Công tác nhân tài của Đà Nẵng - Tình hình và giải pháp" do Ban Tổ chức T.Ư làm cơ quan chủ trì (ông Hồ Đức Việt, nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ khoá 10 làm Chủ nhiệm và TS Nguyễn Danh Châu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng của Ban Tổ chức TƯ làm Phó Chủ nhiệm). Cuộc hội thảo khoa học sáng 26/4 được Ban Tổ chức T.Ư phối hợp với Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng của Ban Tổ chức TƯ và một số tỉnh, thành miền Trung.
Ngay khi mở đầu buổi hội thảo, TS Nguyễn Danh Châu đã ôn lại việc trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã trực tiếp tuyển chọn, bố trí nhiều trí thức đảm nhận những công việc quan trọng, kể cả những người đang và đã học tập ở nước ngoài trở về tham gia kháng chiến như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước... Nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ các gia đình quan lại cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn...
"Theo Người, vì "nhân tài nước ta chưa nhiều lắm" nên phải "khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng để nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều". Người nói: "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng người có ích cho công việc của chúng ta" - TS Nguyễn Danh Châu nhắc lại.
TS Nguyễn Danh Châu: "Không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp!" |
Vì sao nhân tài bỏ rơi khu vực công?
TS Nguyễn Danh Châu nhấn mạnh: 'Trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính khách quan, công khai minh bạch". Hậu quả là không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa được nghiên cứu, thực thi đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài (cả trong và ngoài Đảng) vào công tác trong hệ thống chính trị cũng như người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc.
"Chúng ta cũng chưa chú ý tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân tài hoạt động, phát triển tài năng, toàn tâm toàn ý cho công việc... Vì thế đã dẫn đến tình trạng có người tài đã rời bỏ khu vực công phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng cống hiến của mình để chuyển sang khu vực khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài còn thiếu đồng bộ và còn nhiều thiếu sót..." - TS Nguyễn Danh Châu nhấn mạnh.
Đó cũng chính là lý do để Ban Tổ chức TƯ chọn Đà Nẵng - một trong những địa phương đã có những thử nghiệm mạnh dạn trong công tác thu hút nhân tài - làm một trong những nơi nghiên cứu, khảo sát nhằm thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Cơ sở lý luận, thực tiễn của Chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", tạo tiền đề cho việc xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài có chất lượng và có tính khả thi cao.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ: "Thu hút nhân tài là việc mà ai nói cũng được, nhưng làm thì vô cùng khó!" |
Muốn thu hút nhân tài phải kiên trì và thực tâm
Tuy nhiên khi phát biểu tham luận tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ không nói nhiều đến những việc làm được đã góp phần thu hút hơn 1.000 người có học hàm, học vị từ các nơi về Đà Nẵng công tác trong 15 năm qua. Thay vào đó, ông nhấn mạnh đến những trăn trở, những vấn đề đặt ra từ hội thảo "Đánh giá 15 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực dưới góc nhìn về giới" vừa được Sở Nội vụ Đà Nẵng tổ chức hôm 23/4 (Infonet đã đưa tin):
"Làm thế nào để phân biệt được người tài giỏi? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ và đang đi tìm. Chính sách nào để giữ chân người tài cũng như phải "đãi sĩ" hiện có đang công tác? Môi trường phải thế nào để họ được phát huy tối đa năng lực và được cống hiến tài năng, đức độ cho xã hội? Rồi phải đánh giá ra sao để phân biệt đâu là chân, đâu là chưa đạt trong khoa học, trong mỗi con người để có thái độ đối xử như "vừa chìa tay và cũng có chia tay"? Rồi cũng có câu chuyện dài lúng túng trong chế độ đãi ngộ người tài?... Thực ra các câu hỏi đó cũng đã được thực hiện nhưng chưa hoàn chỉnh" - ông Đặng Công Ngữ nói.
Theo ông, thu hút nhân tài là việc mà ai nói cũng được, nhưng làm thì vô cùng khó. Phải kiên trì và phải thực tâm, thực lòng chứ thu hút nhân tài mà đòi hỏi phải có điều kiện này, điều kiện kia thì không bao giờ được. Và phải có sự đồng thuận, có sự chỉ đạo cương quyết của lãnh đạo. Vì nếu thu hút nhân tài về nhưng sự lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí, sử dụng của các ngành, các cấp không tốt thì nhiều khi sẽ gây tác dụng ngược.
"Điều này ở Đà Nẵng làm tương đối tốt. Những người được thu hút về đã có những bước thăng tiến, tức là lãnh đạo ủng hộ, các cơ quan ủng hộ và tạo môi trường làm việc để họ nhận thấy rằng họ được đồng thuận, được đánh giá cao. Chẳng hạn TS Vũ Thị Bích Hậu khi mới về Đà Nẵng chỉ ở một vị trí bình thường, nhưng chỉ sau 2 năm đã được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Sở KH-CN. Để làm được điều đó đỏi hỏi từng cơ quan, đơn vị phải có sự nhận thức đầy đủ về việc công tác thu hút nhân tài, biết trọng dụng để nhân tài phát huy tài năng" - ông Đặng Công Ngữ nói.
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng: "Người đi tìm nhân tài phải có con mắt xanh, có tấm lòng chân thật!" |
Đối xử với nhân tài phải rõ ràng, công bằng
Ở góc độ là người sử dụng, theo ông Đặng Công Ngữ, vấn đề không kém phần quan trọng là chính sách đối xử, đãi ngộ nhân tài thế nào cho hợp lý. Ít nhất là phải đủ cho nhân tài đảm bảo cho cuộc sống và nghiên cứu mà không phải lo lắng về kinh tế gia đình và bản thân.
"Chính sách đối xử với nhân tài phải rõ ràng, công bằng. Chẳng hạn trong việc Đà Nẵng bố trí chung cư cho nhân tài, tôi nói thật thời gian vừa qua có những anh xin hoài không được, nhưng có những anh không nằm trong diện bố trí thì lại được, nên đã gây ra những bức xúc. Mặt khác, trong khi "chiêu hiền" thì cũng phải chú trọng "đãi sĩ" đối với những người đang công tác tại chỗ, tuy bằng trình độ hoặc thấp hơn nhưng có giá trị cống hiến nhiều hơn, để đảm bảo công bằng, không gây ra đố kỵ, trì kéo lẫn nhau. Cái này thời gian qua Đà Nẵng đã làm nhưng cũng chưa hoàn hảo" - ông Đặng Công Ngữ nói.
Theo TS Nguyễn Danh Châu, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế nên việc xây dựng đội ngũ nhân tài trên các lĩnh vực càng trở nên cấp bách. Cần có những giải pháp lớn về công tác nhân tài trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, trước hết là các giải pháp để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài, trong đó có cả việc thu hút nhân tài từ nước ngoài về Việt Nam để góp phần phát triển đất nước.
Nghèo nên khó "hút" được người tài "Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học có chất lượng đào tạo tốt hầu như không thu hút được mà chủ yếu là tốt nghiệp loại giỏi các trường công lập, dân lập ở miền Trung - Tây Nguyên. Chưa thu hút được cán bộ khoa học, cán bộ có học hàm, học vị thuộc các chuyên ngành tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực. Nguồn thu ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên các chế độ, chính sách phục vụ cho việc thu hút nhân tài và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuy đã được ban hành nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự làm đòn bẩy, khuyến khích thu hút cán bộ, sinh viên về công tác tại địa phương" (Ông Trương Ngọc Ứng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Trị) Môi trường làm việc chưa hấp dẫn "Đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học, đội ngũ chuyên gia còn thấp và phân bổ không đồng đều, phần lớn trí thức có trình độ thạc sĩ và tương đương tập trung ở lĩnh vực giáo dục và y tế. Các cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ của tỉnh chưa thật sự đủ sức thu hút, khuyến khích tạo nguồn cán bộ phát triển tài năng và chưa tạo ra được sự chủ động, tích cực của từng địa phương trong phát triển nguồn nhân lực. Môi trường và các điều kiện làm việc, công tác ở tỉnh chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nguồn lực có chất lượng cao, làm hạn chế khả năng thu hút nhân tài của tỉnh" (Ông Trần Xuân Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam) Phải có "con mắt xanh" khi tìm kiếm nhân tài "Phải đổi mới cách tìm kiếm/phát hiện nhân tài, từ thụ động trông chờ nhân tài đến với mình - là cách mà cùng lắm chỉ có thể đáp ứng mục tiêu tìm được người nói chung chứ khó lòng tìm được người giỏi, càng khó lòng tìm được người giỏi nhất - sang chủ động phát hiện nhân tài, chủ động thuyết phục nhân tài chấp nhận cộng tác/hợp tác với mình. Việc này đòi hỏi người đi tìm phải có con mắt xanh, phải có tấm lòng chân thật và đôi khi phải có cả sự kiên trì kiểu như Lưu Bị "tam cố thảo lư" để mời gọi Khổng Minh" (Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng) |