Cần làm gì khi ăn phải nấm độc?
Sai lầm thử nấm
Đầu năm nay, gia đình bệnh nhân Chu Văn M ở Lạng Sơn sau khi ăn nấm đã khiến 3 người ngộ độc gồm vợ chồng ông M. và người con trai 30 tuổi tên Chu Văn V. đều ngộ độc nặng, sau đó gia đình đã xin cho V. về và tử vong tại nhà còn vợ chồng ông M. may mắn được cứu thoát nhưng chi phí chạy chữa hàng trăm triệu đồng. Số tiền đó, bệnh nhân được phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai kêu gọi giúp đỡ.
TS. Dũng cho biết, hầu hết người bệnh mắc là do không phân biệt được nấm độc và nấm lành nên hái nhầm nấm độc về chế biến cho cả nhà ăn.
Dù năm nào Trung tâm cũng tuyên truyền đến người dân vì nguy cơ ngộ độc nấm, nhất là ở vùng núi, đồng bào ít người nhưng nhiều người vẫn hiểu rằng nấm độc là loại có màu sắc sặc sỡ, còn loại nấm mà côn trùng ăn được thì cũng an toàn đối với người.
Bác sĩ Dũng cho biết, đây là quan niệm sai lầm về nấm độc. Tại Trung tâm từng tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Ngược lại, có trường hợp người nhà bệnh nhân kể lại nhìn thấy kiến ăn nấm, nghĩ không độc nên yên tâm nhưng ăn xong thì tử vong. Tất cả cá loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn.
Nhiều người cũng lấy nấm cho gà, chó ăn trước. 1 - 2 giờ chó, gà không chết hoặc không bị ngộ độc, họ cho rằng đó là nấm ăn nhưng vẫn bị ngộ độc bởi vì theo bác sĩ Dũng, cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm có độc tố cực mạnh, tác dụng nhanh. Còn những loại nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12 - 24h mới có triệu chứng đầu tiên. Với động vật phải sau 4 - 5 ngày mới chết.
Bác sĩ Dũng cho biết, việc thử nấm độc không có tác dụng trong mọi trường hợp bởi một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc nếu thay đổi màu xám đen thì nấm độc nhưng thực tế các loại nấm độc đều không có tác dụng thay đổi màu của bạc.
Làm gì khi ăn phải nấm độc?
10 người dân ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An) bất ngờ chóng mặt, đau bụng dữ dội và phải nhập viện khẩn cấp để điều trị. Trước đó những người này cùng nhau đi hái quả bo bo và thấy nấm nên mọi người cùng đi hái về để cải thiện bữa ăn trưa. Tuy nhiên, sau khi ăn xong thì tất cả 10 người cùng thấy chóng mặt, đau bụng, trong đó có 1 người tỉnh nhất đã kịp gọi điện về nhà báo tin cho người thân nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
Bệnh nhân bị ngộ độc nấm ở Nghệ An |
Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, triệu chứng ngộ độc nấm thường gặp đầu tiên là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương.
TS Dũng kể, nấm độc nhất là nấm tán trắng. Trong thành phần nấm này có chứa độc tố amatoxin, gây hại gan và chỉ sau một thời gian ngắn sẽ gây liệt gan, hôn mê gan, bệnh nhân dễ rơi vào tử vong do suy đa phủ tạng.
Loại nấm này ngộ độc chậm, trung bình từ 6 đến 12h mới có dấu hiệu đau bụng. Vì ăn đã lâu nên không thể gây nôn. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng kèm theo tiêu chảy và khi tiêu chảy cầm được, độc tố bắt đầu gây hại gan và thận.
Chính điều này nguy hiểm hơn bởi nhiều bệnh nhân có triệu chứng đau bụng và tiêu chảy nhưng thấy cầm được tiêu chảy tưởng đã khỏi, không chịu đến viện. Đến khi có dấu hiệu liệt gan vào viện thì đã muộn.
Trước nguy cơ ngộ độc nấm, TS. Dũng cho biết nếu ăn nấm và khi có biểu hiện ngộ độc, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn (cách dễ dàng gây nôn là đưa chiếc bàn chải đánh răng vào sâu trong miệng một chút).
Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 2g/15kg cân nặng. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để xác định sơ bộ loại nấm.