Cần làm gì để ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19?
Tổ tiên trực hệ của virus corona chủng mới là dòng virus từng được phát hiện trên loài dơi tại Vân Nam, Trung Quốc |
Đây là quan điểm của BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (RTCCD), điều phối viên Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tại hội thảo “Ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 và hoàn thiện khung chính sách bảo vệ động vật hoang dã” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.
Đã có nhiều người chết sau ăn thịt động vật hoang dã
BS. Nguyễn Trọng An cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc khẳng định virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) bắt nguồn từ động vật.
Mặc dù Bộ Y tế và các nhà khoa học Việt Nam chưa công bố nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa động vật hoang dã và virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 nhưng các văn bản của Bộ Y tế đều trích dẫn các công bố báo cáo chi tiết về dịch Covid-19 của WHO khẳng định SARS-CoV-2 bắt nguồn từ động vật hoang dã.
Các phân tích cho thấy dơi dường như là vật chủ cho SARS-CoV-2 nhưng vật chủ trung gian chưa được xác định.
Các đại biểu tham gia hội thảo 'Ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 và hoàn thiện khung chính sách bảo vệ động vật hoang dã'. |
Điều đáng ngại là tại Việt Nam, lâu nay tập quán thích ăn thịt thú rừng, tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng diễn ra rất nhức nhối ở khắp mọi miền.
Điều này được ghi nhận tại kết quả khảo sát trực tiếp do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện tại một số tỉnh, thành như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Định, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ và một số tỉnh biên giới của Lào. Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng buôn bán, tiêu thụ, giết thịt các loài động vật hoang dã diễn ra phổ biến, công khai đối với những loài động vật không thuộc nhóm nguy cấp.
Gần như tại tỉnh, thành nào cũng tồn tại những nhà hàng, quán ăn kinh doanh, buôn bán, giết thịt, chế biến món ăn từ động vật hoang dã; một số nơi còn hình thành “chợ” động vật hoang dã mua bán công khai. Thậm chí, chim trời bị đánh bắt theo kiểu “truy cùng diệt tận”. Các chợ chim trời xuất hiện ở nhiều vùng quê rất phản cảm. Riêng chợ chim trời tự phát trên Quốc lộ 62 thuộc địa bàn Thạnh Hóa, tỉnh Long An còn có dấu hiệu khai thác chim từ khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Láng Sen - khu ramsar thứ 7 của Việt Nam.
Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, giết thịt động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn diễn ra ngấm ngầm và ngày một tinh vi hơn. Thậm chí, xuất hiện làn sóng sản xuất các video hướng dẫn săn bắn, đặt bẫy, chế biến món ăn từ động vật hoang dã trên mạng xã hội.
"Ở nước ta, từ trước đến nay cũng đã có nhiều người chết do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt động vật hoang dã. Báo chí cũng đã đưa nhiều tin, bài về các vụ người dân chết tập thể sau khi ăn thịt con nưa (giống “trăn 9 lỗ mũi” ở vùng núi Tây Nguyên, Kiên Giang); câu chuyện nhiều người bị viêm phổi nặng phải cấp cứu sau khi ăn cua đá ở khe suối các tỉnh miền núi phía Bắc do bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên....", BS Nguyễn Trọng An dẫn chứng.
Chấm dứt việc săn bắt, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã
Trở lại với dịch Covid-19, BS Nguyễn Trọng An khẳng định "giả sử dơi đúng là vật chủ làm lây truyền virus corona thì cũng cần khẳng định việc lây nhiễm là do có sự can thiệp của con người với động vật hoang dã. Do vậy, cần có các biện pháp ngăn ngừa các can thiệp gây hại của con người để bảo vệ các loài động vật hoang dã".
Do đó, ông An cho rằng việc lấy cớ để bắt giữ, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ động vật hoang dã như hiện nay là hành vi đổ lỗi, vi phạm pháp luật.
Với mục tiêu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, BS Nguyễn Trọng An kiến nghị cần thiết phải có những giải pháp can thiệp cấp bách, những chế tài nghiêm khắc để chấm dứt ngay việc săn bắn, buôn bán, giết mổ, ăn thịt các loại động vật hoang dã, nhằm cắt đứt nguồn lây truyền các virus, vi trùng, ký sinh trùng nguy hiểm gây ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người. Trước mát cần tuân thủ các quy định pháp luật về Bảo vệ động vật hoang dã và Luật Đa dạng Sinh học (2008).
Hơn nữa, theo BS Nguyễn Trọng An, thịt và phủ tạng động vật hoang dã có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm như virus SARS-CoV-2 mà hệ miễn dịch của con người chưa có khả năng chống lại.
Trên thực tế, tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, hoàn chỉnh và cụ thể quy định đặc thù về việc bảo vệ động vật hoang dã.
BS Nguyễn Trọng An kiến nghị Chính phủ cần xây dựng Luật hoặc ban hành văn bản pháp luật bảo vệ động vật hoang dã đảm bảo hài hòa với Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp.
Các ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất Chính phủ cần ban hành một khung pháp lý thống nhất, hoàn chỉnh về động vật hoang dã, và mục tiêu cấp bách về hành động cần được thực thi khẩn trương nhằm ngăn chặn, nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trong bối cảnh tình hình y tế, sức khỏe cộng đồng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
Ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quản lý, kiểm soát buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ TN & MT, Công an, TT & TT và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trình Thủ tướng Chính phủ. |