Cần hàng ngàn tỷ khắc phục dọc bờ biển ở Thừa Thiên - Huế
Ảnh hưởng do sạt lở, xâm thực, bồi lấp của biển
Tình trạng sạt lở, xâm thực và bồi lấp diễn ra hầu hết các huyện ven biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế như Vinh Hiền, Vinh Hải, Lăng Cô (Phú Lộc) Vinh Thanh, Phú Thuận, Thuận An (Phú Vang) Phong Hải (Phong Điền) Quảng Công (Quảng Điền) và Hải Dương (thị xã Hương Trà).
Nhiều chỗ bị sạt lở, xâm thực |
Ghi nhận của PV cho thấy, dọc theo bờ biển tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có nhiều điểm bị sạt lở, các hàm ếch vào sâu trong các đường bê tông, các hàng cây thông trồng dọc bờ biển bị đổ ngã trên 1km khiến cho cuộc sống của các hộ dân sống dọc theo bờ biển bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo lãnh đạo UBND xã Phong Hải thông tin, việc sạt lở bờ biển trở nên phức tạp từ năm 2007, trung bình mỗi năm bờ biển bị xâm thực từ 5 đến 7m. Dọc theo bờ biển có 150 hộ dân sinh sống nhưng bờ biển bị xâm thực nên xã đã di dời 141 hộ lên khu tái định cư để đảm bảo an toàn, 9 hộ khác vì không có điều kiện nên đành phải bám trụ lại.
Tương tự, tại bờ biển thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) vùng cửa biển bị xâm thực nặng nề dài khoảng 200m, vào sâu 20m ảnh hưởng đến 30 hộ dân, và Trạm kiểm soát biên phòng cửa biển Lăng Cô.
Khu vực bị nặng nề nhất là bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) với 2,5km đường bờ biển bị sạt lở và xâm thực vào sâu 3-5m “uy hiếp” gần 260 ha đất, vùng sản xuất nông nghiệp và nơi nuôi trồng thủy sản. Còn xã Phú Thuận bị xâm thực sâu vào từ 6 - 8m, dài trên 500m.
Sạt lở khá nghiêm trọng |
Sạt lở, xâm thực biển ảnh hưởng đến 4 thôn dân cư trên địa bàn. Từ năm 2013, tỉnh đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để gia cố bờ biển bằng những rọ đá cho các đoạn xung yếu với chiều dài gần 500m.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão, sóng lớn kết hợp với triều cường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, xâm thực mới - ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho biết.
Khó khăn nguồn vốn để khắc phục
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay sạt lở ven biển có khoảng 10km có mức độ nghiêm trọng thuộc địa bàn các xã Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công (Quảng Điền), thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận (Phú Vang), xã Vinh Hải, Vinh Hiền và thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).
Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế thị sát kiểm tra những khu vực bị sạt lở, xâm thực và bồi lấp nặng. |
Khoảng 160m bờ biển thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bị sạt lở. Để khắc phục và đối đối phó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã huy động sức lực của hơn 100 cán bộ chiến sĩ Đồn BP Lăng Cô, Đại đội Cơ động BĐBP tỉnh cùng dân quân và 20 hộ dân địa phương trên địa bàn thị trấn Lăng Cô tiến hành sử dụng hàng trăm khối đá hộc, rọ thép, vải bạt xây dựng kè đá ngăn chặn tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển ở khu vực này.
Tại xã Vinh Hải huy động 1.187 nhân công dùng đá, bao tải, rọ thép xử lý gần 500m bị sạt lở.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện phía Sở NN&PTNT tỉnh đã đi kiểm tra thực tế các điểm bị sạt lở. Tuy nhiên, do nguồn lực khó khăn nên mới khắc phục, xử lý được một số nơi sạt lở và xâm thực nghiêm trọng với kinh phí lên đến 423 tỷ đồng (Trong đó, 157 tỷ đồng cửa biển Thuận An từ năm 2006, Hải Dương 46 tỷ đồng, Phú Thuận 70 tỷ đồng và Quảng Công 150 tỷ đồng đang làm).
Để khắc phục hết toàn bộ phải cần trên một ngàn tỷ đồng. Còn sạt lở mới khẩn cấp cần khắc phục hiện nay đang đề xuất 1.000 tỷ đồng và hiện đã có 300 tỷ đồng đang nằm trong nguồn chương trình biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến khắc phục đoạn từ Thuận An đến Vinh Hiền - ông Hùng cho biết thêm.
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng do sạt lở, xâm thực. |
Một số sạt lở dọc bờ biển tại Thừa Thiên - Huế. |
Xử lý sạt lở tại cửa biển Lăng Cô huyện Phú Lộc (ảnh: CCTL). |