Cần có chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản
Bàn về hiện trạng phát triển của ngành xuất bản Việt Nam, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học nhận định: Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Luật Xuất bản 2012 chính thức có hiệu lực, hoạt động xuất bản đã ngày càng đi vào hoạt động quy củ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Đồng thời với đó, hoạt động xuất bản cũng ngày càng hướng đến tính chuyên nghiệp, dần dần nỗ lực chuyển mình để thích ứng với sự “nóng lạnh” của kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng những thành quả của hoạt động xuất bản trong thời gian qua vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát của một số nhà xuất bản có tiềm lực. Còn lại, bức tranh chung của ngành xuất bản vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng sẵn có, hoạt động xuất bản ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực, hoạt động thiếu chiều sâu, doanh thu thấp, vẫn còn để xảy ra những sai phạm bởi sự lệ thuộc vào đối tác liên kết,…
“Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là bởi ngành xuất bản chưa có một chiến lược phát triển tổng thể có tính chất lâu dài, bền vững. Điều đó đã dẫn đến việc không có cơ chế đầu tư, hỗ trợ về chi phí cho hoạt động xuất bản, cơ sở vật chất ngày một lạc hậu, xuống cấp, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đi xuống”, ông Vũ phân tích.
Theo quy định của Luật Xuất bản, các nhà xuất bản được tổ chức và hoạt động theo hai loại hình: Đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Hiện nay, toàn ngành xuất bản có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, tự hạch toán kinh doanh.
Có thể thấy rằng mô hình hoạt động, tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay chưa thống nhất để có thể đưa ra cơ chế chính sách chung, sao cho các nhà xuất bản đều được hưởng những cơ chế, chính sách một cách hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà xuất bản phát huy hết nội lực của mình để phát triển. Ngay trong nội tại mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản hiện nay cũng đang tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, các nhà xuất bản tự hạch toán, tự chủ về tài chính trong hoạt động lại phải cạnh tranh với các sản phẩm của các nhà xuất bản được đầu tư hạ tầng, hỗ trợ chi phí.
Trong bối cảnh đó, khó khăn đặc biệt tập trung vào nhóm các nhà xuất bản hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước. Bên cạnh việc phải tự trang trải toàn bộ chi phí cho hoạt động của đơn vị, các nhà xuất bản này còn phải chịu giá thuê nhà đất, trụ sở rất cao, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng, các quy định về lợi nhuận hàng năm, về bổ sung vốn điều lệ trong bối cảnh lợi nhuận kinh doanh ngày một xuống thấp,… cũng đang là gánh nặng cho các nhà xuất bản trong khối doanh nghiệp. Cũng bởi những hạn chế, bất cập trong mô hình hoạt động nên ngay cả việc bổ sung vốn, hỗ trợ nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động cho các nhà xuất bản (khối doanh nghiệp) thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ, mục đích của đơn vị theo quy định của Luật Xuất bản, đến nay vẫn chưa thực hiện được.
“Để giải quyết tồn tại nhằm đưa ngành xuất bản ngày một phát triển, tương xứng với tiềm năng sẵn có, thực sự trở thành một ngành công nghiệp văn hóa, tri thức, cần gấp rút xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản lâu dài, bền vững, vừa đảm bảo tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa thích ứng với quy luật phát triển của khu vực và thế giới. Cần sớm có sự thống nhất về mô hình của các nhà xuất bản vì chỉ như vậy mới có thể đưa ra những cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển đồng nhất cho các nhà xuất bản”, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học khuyến nghị.
Hà Minh