Căn bệnh khiến người phụ nữ có cảm giác như có kiến bò mỗi khi đêm về
3 tháng trước, chị H thường bị những cơn tê buốt như bị châm kim ở lòng bàn chân hành hạ. Đêm về, thêm cảm giác kiến bò ở vùng cẳng chân khiến chị không thể ngủ
Căn bệnh khiến người phụ nữ có cảm giác như có kiến bò mỗi khi đêm về (ảnh minh hoạ) |
Ngỡ thiếu can xi ai dè ra giãn tĩnh mạch
Chị Nguyễn Thanh H. (Cầu Giấy, Hà Nội) là giáo viên. Do tính chất công việc, chị liên tục phải đứng hầu như suốt thời gian làm việc trong ngày. Chưa kể, hết giờ trên lớp, chị H., tiếp tục đi dạy thêm tại các trung tâm luyện thi. Hơn một năm trước, chân chị H., xuất hiện những cơn đau nhức thoáng qua.
“Lúc mới đầu thì thi thoảng cảm giác nhức mỏi hai chân kèm bị chuột rút vào buổi tối. Ngỡ thiếu can xi, tôi mua sữa, uống thực phẩm chức năng để bổ sung nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Những cơn tê buốt như bị châm kim ở lòng bàn chân xuất hiện ngày một nhiều hơn. Mỗi tối, cảm giác như có kiến bò vùng cẳng chân. Sáng ra tôi vẫn cố đi làm, nhưng các bước chân ngày một nặng nề như đeo tạ. Không chịu nổi, tôi đến phòng khám tư gần nhà được bác sĩ cho uống thuốc kết hợp với đi tất áp lực”, chị H., than phiền.
Cách đây 3 tháng, chị phải vịn mới đứng được dậy và rất khó khăn mới tự bước đi được. Không cố được nữa, người phụ nữ hơn 50 tuổi này mới đến bệnh viện tuyến đầu khám. Bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm tĩnh mạch và chẩn đoán chị bị suy giãn tĩnh mạch chân trái cần phải phẫu thuật.
TS.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bình thường hệ thống tĩnh mạch chi dưới có hệ thống van một chiều, đảm bảo cho dòng máu di chuyển ngược chiều từ ngoại vi về trung tâm.
Do gánh nặng tuổi tác, các cấu trúc thành mạch thoái hóa hoặc ở một số đối tượng có nguy cơ cao như tư thế làm việc đứng lâu ngồi nhiều, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, có thai hoặc dùng thuốc tránh thai định kỳ, yếu tố gia đình… làm hệ thống van một chiều của tĩnh mạch bị hư hỏng không hồi phục điều này dẫn tới ứ máu ở ngoại vi chi dưới gây nên các biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới.
“Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có biểu hiện tức nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm; nhìn thấy nhiều mạch máu nhỏ li ti ở cổ chân và bàn chân.
Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây đau nhức, phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da”, TS.BS Ngô Gia Khánh nhấn mạnh.
Tử vong nếu không cấp cứu kịp thời
BS. CKII. Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Quốc tế - Bệnh viện TƯQĐ 108 nhấn mạnh thêm, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là một nguyên nhân gây tử vong mà ít người biết đến.
Theo đó, một biến chứng rất nặng nề và cũng thường hay gặp của suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính là việc hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh 10- 61% (tỷ lệ nam /nữ từ 1/2 đến 1/4). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tần suất gặp suy tĩnh mạch gấp 10 lần bệnh động mạch chi dưới.
Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy 44.1% bệnh nhân trên 50 tuổi mắc suy tĩnh mạch nông chi dưới và tỷ lệ có dòng trào ngược trong lòng tĩnh mạch là 34,8%.
Mặc dù là bệnh khá nguy hiểm nhưng bệnh nhân ít quan tâm, ngại đi khám. Theo BS Yến, chỉ có 8,2% bệnh nhân suy tĩnh mạch được điều trị và đa số là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như Aspirin, lợi tiểu hoặc các loại thuốc Đông y.
Theo các bác sĩ, căn cứ vào thực tế không phải người nào cũng có khả năng bị bệnh này, chỉ có một số người thuộc nhóm có nguy cơ cao là hay bị. Di truyền là mẫu số chung cho những bệnh nhân này, di truyền dễ bị mắc bệnh hơn những người khác, nguyên nhân do những thay đổi về enzyme trong mô liên kết.
Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
Người bị tăng cân quá mức (người béo phì) cũng là một yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng. Ngoài ra, những bệnh nhân ăn theo chế độ ăn kiêng nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.
Theo các chuyên gia về tĩnh mạch, khả năng tái phát của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là khá cao có thể lên đến trên 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong điều trị như không uống thuốc đúng thời gian quy định, không đeo vớ y khoa vì cảm thấy vướng víu khi hoạt động, không thay đổi chế độ làm việc và chế độ ăn uống giàu chất xơ ít chất bột đường... và không tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
Do đó, các chuyên gia lưu ý, để tránh tái phát, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những chỉ định mà bác sĩ đã đưa ra.
Với những bệnh nhân có chỉ định phải mổ, TS.BS Ngô Gia Khánh lưu ý cần tập đi lại quanh giường từ ngày thứ 2, đi tất áp lực trong vòng 1 tháng sau mổ và duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh, ít chất béo, tránh ngồi lâu đứng lâu, tiếp tục đi tất áp lực thêm ít nhất 4 tuần để tránh tái phát các nhánh tĩnh mạch bị suy giãn trong tương lai.
N. Huyền