Cấm lái xe uống rượu bia: Bộ trưởng Y tế cảm ơn QH, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi thở phào!
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (UBVCVĐXH) Bùi Sỹ Lợi cho rằng điều này rất tốt bởi “thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Trong trường hợp chưa đưa vào luật, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng “toàn bộ hệ thống Luật Giao thông đường bộ, Giao thông đường sắt, Giao thông đường thủy nội địa, cấm tiệt rồi. Còn mỗi mô tô và xe gắn máy, đường sông là chưa quy định thôi”.
“Tôi thấy nếu chưa đưa vào thì luật chúng ta đã có nhưng chưa đầy đủ khi chưa áp dụng đối với xe mô tô và gắn máy. Khi đưa vào thì quyết tâm chính trị của chúng ta rất cao bởi vì có lẽ mong muốn của nhân dân, cũng như dư luận rất ủng hộ điều đó. Khi Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến để bổ sung vào điều cấm ở khoản 6 là “khi tham gia giao thông thì không uống rượu bia” điều đó rất tốt.
Chúng ta đi dọc đường đều nhìn thấy có những câu khẩu hiệu đó, tuy nhiên theo cá nhân tôi, việc uống rượu thì khó bỏ. Nếu ở nhà nghỉ ngơi thì có thể uống 1 ít với bạn bè, nhưng khi tham gia giao thông thì tuyệt đối đừng có uống rượu”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Lợi cũng nhấn mạnh “tôi thấy Thường vụ Quốc hội viết 1 câu rất thấm thía: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội…” đây là vì ý nguyện của nhân dân, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhất là báo chí cũng có ý kiến rất nhiều. Chúng ta hãy vì sức khỏe của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều này và tôi cho rằng điều này cực kỳ nhân văn.
Các đại biểu cũng thấy rằng vì trách nhiệm của nhân dân. Có thể chưa cấm được ngay bởi luật mới ra đời nên cần phải tuyên truyền để thấm vào tư tưởng của nhân dân, nhất là với những người điều khiển phương tiện giao thông nhưng chí ít đây cũng là một lời cảnh báo, cho hạnh phúc của nhân dân. Như vậy đi ra đường ít ra chúng ta được đảm bảo hơn’, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu.
Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, nếu không đưa quy định này vào luật thì nghị quyết KT –XH lần này của kỳ họp thứ 7 cũng giao Chính phủ tăng cường các biện pháp, chế tài để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, rượu bia khi lái xe.
“Tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người phản ứng, nhưng cá nhân tôi đánh giá cao quyết tâm chính trị của UBTVQH. Đây là tiếp thu triệt để phản ứng của người dân, của một số đại biểu Quốc hội đặc biệt hệ thống báo chí của chúng ta. Sau hôm gặp gỡ báo chí tôi vẫn cứ băn khoăn điều đó, chính vì vậy quyết định của UBTVQH khiến tôi thở phào nhẹ nhõm, rất hạnh phúc”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.
Cũng liên quan đến điều luật này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, sáng nay, đa số đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho thấy vấn nạn rượu bia được xã hội đặc biệt quan tâm. Việc Quốc hội thông qua Luật thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước ta đối với quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam với Liên Hợp quốc.
“Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc phòng chống bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, việc Quốc hội bỏ phiếu riêng về điều luật nghiêm cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (được quy định tại khoản 6 Điều 5) là quy định cực kỳ tiến bộ, nghiêm khắc, mang tính cảnh báo về mặt xã hội.
Chúng tôi hy vọng khi Luật có hiệu lực thi hành, đi vào cuộc sống thì các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội do rượu bia gây ra, trong đó có tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực tình dục… sẽ giảm ở mức độ tối đa”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, với một số quốc gia trên thế giới, việc cấm hoàn toàn người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia và giới hạn ngưỡng cho phép với người điều khiển mô tô, xe máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại những nước phát triển, tỷ lệ người dân sử dụng ô tô chiếm 98- 99%. Ở Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng phương tiện mô tô, xe máy lớn hơn nhiều so với ô tô và là nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu. Điều này cho thấy quan điểm nhất quán và quyết liệt của Quốc hội trong phòng ngừa tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia gây ra
Sau khi Luật được thông qua, để người dân hiểu được các quy định pháp luật và cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì giáo dục tác hại rượu bia với sức khỏe, kinh tế, xã hội, trong đó có tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng. Công tác tuyên truyền, phổ biến phải bằng các hình thức đa dạng, liên tục và bền bỉ về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Khi có truyền thông sẽ tạo ra sự hiểu biết dẫn đến thay đổi hành vi. Các cơ quan đều phải vào cuộc, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi nghiêm các quy định của Luật.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã viết trên Facebook cá nhân của mình: “Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã được thông qua. Thay mặt ban soạn thảo, xin cảm ơn Quốc hội, các chuyên gia và cử tri đã ủng hộ. Luật này cùng với luật phòng chống tác hại thuốc lá sẽ giúp người dân ít bệnh tật hơn”. |