Cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Còn nhiều “chông gai”
Ghế thường trực HĐBA LHQ - niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới. |
Ý tưởng cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo nhưng cho đến nay, các bên vẫn chưa thể thực hiện được ý tưởng này vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhiều cường quốc muốn cải tổ HĐBA LHQ
Ngày 26/9 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị của Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Đức A.Merkel đã thảo luận với lãnh đạo Nhật Bản, Brazil và Ấn Độ vấn đề về sự cần thiết phải tiến hành cải tổ đối với HĐBA LHQ. Việc cải tổ sẽ được thực hiện theo hướng mở rộng thành phần ủy viên thường trực của cơ quan quyền lực này bằng cách trao cho cả 4 nước Đức, Ấn Độ, Brazil và Nhật Bản quy chế ủy viên thường trực.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng mở rộng thành phần ủy viên thường trực của HĐBA được đưa ra. Ý tưởng này đã được đưa ra từ những năm 1990 nhưng cho đến hiện tại, tình hình vẫn chưa có bất cứ chuyển biến nào.
Lần cải tổ cuối cùng của LHQ được thực hiện năm 1963, khi đó số lượng ủy viên của HĐBA tăng từ 11 lên 15 ủy viên, trong đó chỉ có 5 ủy viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc là có quyền phủ quyết. 10 ủy viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm và cứ mỗi một năm sẽ có 5 ủy viên được bầu thay thế 5 ủy viên cũ.
Ngày họp cuối cùng của phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 69 cũng đã thông qua một bản nghị quyết về việc “sẽ tiếp tục tiến hành thảo luận liên chính phủ về việc cải tổ HĐBA trong quá trình tổ chức hội nghị toàn thể Đại hội đồng LHQ lần thứ 70” và “thiết lập nhóm công tác với thành phần được mở rộng để bàn bạc vấn đề về tính đại diện công bằng trong thành phần của HĐBA”.
Rõ ràng, việc trở thành ủy viên thường trực của HĐBA là mong muốn của rất nhiều quốc gia. Nguyên nhân là do khi nước nào đó trở thành ủy viên thường trực, nước đó sẽ có quyền phủ quyết với bất cứ nghị quyết nào của HĐBA. Và khi nghị quyết nào đó, dù chỉ bị một ủy viên thường trực phủ quyết, sẽ không được thông qua và không có hiệu lực.
Trước Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil, các quốc gia châu Phi cũng đã lên tiếng yêu cầu HĐBA phải trao cho châu Phi 2 suất ủy viên thường trực. Một số quốc gia khác còn đề nghị tạo nên quy chế “ủy viên bán thường trực” có thời hạn 8 năm và có khả năng được tái bầu.
Ngoài ra, một số ý kiến khác còn lên tiếng đề nghị hủy bỏ hoặc hạn chế quyền phủ quyết của ủy viên thường trực. Điển hình là Tổng thống Litva Dalia Grubauskaite đã từng tuyên bố HĐBA cần phải hủy bỏ quy chế dùng quyền phủ quyết “trong các trường hợp diệt chủng, tội ác đặc biệt nghiêm trọng, tội ác chống lại loài người và tội phạm chiến tranh”.
Dẫn chứng được bà Dalia Grubauskaite đưa ra để lý giải cho tuyên bố của mình là HĐBA đã bất lực trong việc điều tra vụ tai nạn đối với máy bay MH-17 của Malaysia chỉ vì “Nga bỏ phiếu phủ quyết việc thành lập Hội đồng trọng tài hình sự quốc tế”.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức rất tích cực thúc đẩy thực hiện cải tổ HĐBA thì các nước hàng đầu châu Âu khác sẽ ủng hộ ý tưởng này. Cũng không loại trừ khả năng Mỹ cũng sẽ ủng hộ Đức vì hiện HĐBA, theo ý kiến của một chính trị gia Mỹ, thường xuyên “thọc gậy bánh xe” đối với việc thực hiện các chính sách của Mỹ.
Vẫn còn nhiều cản trở
Mặc dù không công khai phản đối việc mở rộng thành phần ủy viên thường trực của HĐBA vì không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ với hai đồng minh thân cận là Ấn Độ và Brazil, Nga sẽ không nhất trí với phương án này.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. |
Theo nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của Viện các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Aleksey Fenenko, sở dĩ HĐBA sẽ khó có thể được mở rộng số lượng ủy viên thường trực là do các lý do sau:
Thứ nhất: Nga vẫn chưa ký được với Đức và Nhật Bản một hiệp ước hòa bình đầy đủ. Mặc dù đã có Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951 nhưng Nga và Trung Quốc đã không ký vào hiệp định này. Nói cách khác, nếu Đức và Nhật Bản muốn trở thành ủy viên thường trực HĐBA, điều cần thiết là họ phải ký với Nga hiệp ước hòa bình.
Thứ hai: Đức và Nhật Bản sau Thế chiến lần II vẫn là các quốc gia có “chủ quyền hạn chế”. Đối với Đức, theo các điều kiện của Thỏa thuận Bonn 1952, Đức bị cấm tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề chính trị-quân sự. Ngoài ra, Đức còn bị hạn chế trong việc phát triển lực lượng vũ trang, cũng như bị cấm đưa ra yêu cầu rút quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ của mình, không được thông qua các quyết định chính sách đối ngoại nếu không có sự tham vấn của các cường quốc giành chiến thắng. Do đó, nếu như muốn trở thành ủy viên thường trực HĐBA, Đức cần thiết phải loại bỏ các hạn chế trên đối với chủ quyền của mình.
Thứ ba: Tất cả các ủy viên thường trực hiện nay của HĐBA đều là các cường quốc hạt nhân (theo tinh thần Thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1986). Về nguyên tắc, các thành viên của HĐBA là các cường quốc hạt nhân hợp pháp và duy nhất. Nếu như kết nạp các quốc gia khác, ví dụ như Ấn Độ và Brazil thì điều đó đồng nghĩa với việc HĐBA đồng ý để các quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân? Nếu không thì lại nảy sinh câu hỏi: vì sao một ủy viên thường trực HĐBA có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, còn ủy viên khác lại không được quyền.
Thứ tư: Tính chính thống của HĐBA từ trước đến nay được hình thành trên cơ sở kết quả của Thế chiến lần II. Nếu như kết nạp Đức và các quốc gia khác làm ủy viên thường trực thì khi đó Công ước của HĐBA sẽ bị vi phạm nên sẽ khó có thể đảm bảo được tính chính thống của HĐBA.
Viện sỹ Aleksey Fenenko kết luận rằng những nguyên nhân kể trên sẽ khó có thể được giải quyết nên việc mở rộng HĐBA theo đề nghị của một số quốc gia sẽ không thể thực hiện được trong nhiều năm tới. Việc cải tổ HĐBA chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp nảy sinh một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995. Và tờ army-news.