Cách phát hiện loại ung thư cướp đi sinh mạng hơn 2.000 người Việt mỗi năm
U lympho ác tính thường gặp trong nhóm bệnh huyết học ác tính ở người lớn, bao gồm u lympho ác tính không Hodgkin và u lympho ác tính Hodgkin. Trong đó, u lympho ác tính không Hodgkin thường gặp hơn và nhiều gấp 5 lần trường hợp còn lại.
U lympho ác tính không Hodgkin đứng thứ 11 về tỷ lệ mắc mới. Theo GLOBOCAN 2018, trên thế giới có 509.590 ca mắc mới và 2,6% tử vong.
Tại hội nghị cập nhật kỹ thuật mới về chẩn đoán và điều trị u lympho của Bệnh viện Bạch Mai cuối tuần qua, giáo sư Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, cho biết bệnh u lympho có nhiều dạng bệnh khác nhau, biểu hiện ở nhiều cơ quan. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Những người mắc bệnh suy giảm hệ miễn dịch, hoặc phải dùng thuốc để kiểm soát hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh này. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nhóm tuổi 35-40 và 50-55, tuổi trung bình 50-60.
Biểu hiện của bệnh là sưng các hạch lympho. |
Khi xuất hiện u lympho có nghĩa cơ thể sản sinh quá nhiều tế bào lympho một cách vô tổ chức và tồn tại lâu hơn. Tình trạng quá tải làm tổn hại hệ thống miễn dịch. U lympho có thể phát triển trong nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm hạch bạch huyết, tủy xương, máu, lá lách và các cơ quan khác.
Bệnh thường biểu hiện tại hạch (trên 60%) hoặc xuất hiện u ngoài hạch như ở da, dạ dày, đại trực tràng, vòm mũi họng, lưỡi, thần kinh trung ương, hốc mắt...
Theo giáo sư Khoa, điều trị bệnh lympho tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và loại mô bệnh học, vị trí tổn thương, thể trạng người bệnh... Phương pháp điều trị kết hợp đa phương thức, biện pháp chủ yếu là điều trị toàn thân như hóa trị kết hợp điều trị đích, ghép tế bào gốc, điều trị tại vùng như xạ trị, phẫu thuật...
Các phương pháp mới như điều trị miễn dịch, miễn dịch phóng xạ... mang lại hiệu quả cao, đặc biệt trong trường hợp bệnh tồn tại dai dẳng hoặc tái phát. Điều trị miễn dịch giúp tăng cường khả năng phát hiện và nhận diện tế bào u nhằm tiêu diệt chúng.
Theo VNE