Cách cúng, văn khấn rước tổ tiên ngày 30 Tết
Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, ngày 30 Tết có một ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi người mỗi gia đình.
Ảnh minh họa: Internet |
Vào ngày này, nhà cửa phải được vệ sinh sạch sẽ. Trong nhà, bàn thờ phải được dọn dàng gọn gàng, bày biện đầy đủ. Thân thể mỗi người cũng phải thơm tho để chuẩn bị tiễn một năm cũ đi qua, đón một năm mới hanh thông, thuận lợi.
Một việc khác vô cùng quan trọng với mỗi gia đình là lễ cúng rước tổ tiên về xum vầy cùng con cháu, để con cháu tỏ lòng hiếu đễ phụng sự khi ngày xuân đến.
Tùy theo điều kiện thời gian, vật chất của mỗi gia đình, các con cháu có thể làm mâm cơm rước tổ tiên tại nhà vào trưa 30; hoặc mang lễ vật ra mộ mời các cụ về, nhân tiện sửa sang dọn dẹp phần mộ.
Lễ cúng rước tổ tiên gồm hương hoa, vàng mã và lễ mặn; cũng không cầu kỳ bắt buộc mà tùy tâm ý của con cháu.
Từ sau lễ rước tổ tiên này, để các cụ luôn ở trong nhà cùng con cháu, các gia chủ nên chú ý không để hương tắt. Thông thường, nhiều gia đình hay dùng hương vòng hoặc hương sào.
Dưới đây là bài văn khấn rước tổ tiên, Infonet giới thiệu tới bạn đọc cùng tham khảo:
Hôm nay, ngày.... tháng.... năm...
Tại: ....
Tín chủ con là..... cùng với toàn gia kính bái..
Nay nhân ngày....
Kính cẩn sắm một lễ gồm... gọi là lễ mọn lòng thành, kính dâng lên:
Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia tiên sư, bản viên thổ công, liệt vị tôn thần.
Trước linh vị của....
Và các vị tổ bá, tổ thúc, tổ cô, cùng các vong linh phụ thờ theo tiên tổ.
Kính cẩn thưa rằng: Năm cũ sắp hết, ngày Tết tới gần, chuẩn bị mừng xuân.
Kính cáo: thô, địa, chư vị linh thần.
Kính mời: Vong linh tiên tổ về với gia đình để cháu con phụng sự.
Cẩn cáo!