Các tỷ phú giàu nhất Việt Nam mất hàng chục nghìn tỷ vì Covid
Vn-Index có 4 phiên giảm điểm và 1 phiên tăng điểm trước khi kết thúc tuần ở mức 709,73 điểm, giảm 52,05 điểm tương đương 6,83% so với cuối tuần trước.
Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến Vn-Index tuần qua là VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup, và VHM của Vinhomes khi lấy đi của chỉ số lần lượt 10,14; 9,65 và 7,85 điểm.
Diễn biến của thị trường tuần vừa qua cũng khiến cho giá trị tài sản của các tỷ phú giàu nhất Việt Nam tiếp tục suy giảm mạnh.
Cùng với việc BTC giải đua F1 thông báo buộc phải hoãn giải do dịch bệnh Covid-19, cổ phiếu VIC tiếp tục giảm sâu trong tuần thứ 3 liên tiếp với mức giảm 10.000 đồng (10,81%) trong tuần vừa qua khiến giá trị tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam tiếp tục giảm.
Giải đua F1 lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội đã phải tạm hoãn do Covid-19 là điều khiến không chỉ nhà tổ chức mà người xem cũng vô cùng tiếc nuối |
Với mức giá đóng cửa tuần 82.500 đồng/cp, giá trị cổ phiếu VIC do ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ đã giảm 19.167 tỷ đồng so với tuần trước, còn lại 158.134 tỷ đồng.
Thậm chí, nếu tính cả chuỗi 3 tuần giảm giá liên tiếp của VIC, tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã “bốc hơi” xấp xỉ 44 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.
Trong khi đó, người giàu thứ hai – nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – lại ghi nhận mức tăng nhẹ về giá trị tài sản trong tuần vừa qua.
Cổ phiếu VJC tăng 2% sau khi kết thúc tuần giao dịch đã khiến cho giá trị cổ phiếu VJC do TGĐ hãng hàng không Vietjet nắm giữ tăng thêm 404 tỷ đồng, lên mức 20.423 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá cổ phiếu MSN của Masan Group tiếp tục lao dốc khiến cho hai tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh mỗi người mất thêm 1.300 tỷ đồng. Theo đó, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh hiện còn 13.000 tỷ đồng và ông Nguyễn Đăng Quang là 12,6 nghìn tỷ đồng.
Sự lao dốc của TTCK trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến Bộ Tài chính phải có động thái đầu tiên nhằm hỗ trợ thị trường. Đó là việc cơ quan này ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC ngày 18/03/2020 nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Tài chính miễn hoàn toàn một số loại giá dịch vụ sau: Dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu và giá dịch vụ thay đổi đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ và chứng quyền có bảo đảm; Dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; Dịch vụ đăng ký chứng khoán lần đầu; Dịch vụ đăng ký chứng khoán bổ sung; Dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; Đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh và đăng ký thành viên bù trừ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giảm giá từ 10% - 50% đối với 09 dịch vụ: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh, dịch vụ lưu ký chứng khoán; giảm từ 15% - 20% đối với dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh; giảm từ 30% - 50% đối với dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm, dịch vụ thực hiện quyền, dịch vụ chuyển khoản chứng khoán và dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020.
Thông tư là một nỗ lực lớn từ phía các cơ quan quản lý với mong muốn phát đi tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay.