Các nước châu Á “không chiến” tại Singapore Airshow 2012
Các nước châu Á “không chiến” tại Singapore Airshow 2012
> Việt - Nga hợp tác chế tạo tên lửa hành trình mới
> Ma-lai-xi-a muốn mua 6 tầu phòng vệ duyên hải của Pháp
> Trực thăng WZ-10 Trung Quốc cạnh tranh Apache của Mỹ?
![]() |
Triển lãm hàng không lớn thứ ba thế giới đang diễn ra tại Singapore. |
Triển lãm hàng không Singapore là sự kiện hàng không lớn thứ ba thế giới diễn ra từ 14/2-19/2. Những sản phẩm chính của ngành hàng không dân dụng sẽ xuất hiện và các nhà sản xuất máy bay lớn sẽ thông báo về các thương vụ mới của mình.
Bên cạnh hàng không dân dụng, đây còn là nơi giao dịch vũ khí không quân. Tại đây, các nhà sản xuất máy bay chiến đấu và các quan chức “tai to mặt lớn” từ các bộ quốc phòng sẽ gặp gỡ, đàm phán với nhau và triển lãm này cũng là nơi chứng kiến những cuộc "không chiến" giành giật các thương vụ trị giá nhiều tỷ đô la.
“Nhiều tướng lĩnh cấp cao vẫn xuất hiện tại triển lãm này. Đôi khi họ đến xem triển lãm trong bộ quân phục và tỏ ra vui vẻ khi được mọi người nhận ra. Mục đích của họ là thu hút sự chú ý và xây dựng các mối quan hệ quốc tế”, Gareth Jennings, tổng biên tập một tạp chí về tên lửa và rocket, cho biết.
Cả ngành hàng không dân dụng và quân dụng hiện đang đối mặt với cùng một vấn đề, đó là sự suy giảm tăng trưởng và sự bức thiết phải tìm kiếm các thị trường mới.
Hoa Kỳ, Nga và các quốc gia phương Tây gần như thống trị trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, nhưng trong bối cảnh Hoa Kỳ cắt giảm chi tiêu quốc phòng và châu Âu đang gặp suy thoái kinh tế, thì đây không còn là các thị trường chính nữa.
![]() |
S-70B máy bay tìm kiếm cứu nạn và săn tàu ngầm của không quân Singapore, sản xuất từ mẫu trực thăng Sikorsky Seahawk của Hoa Kỳ, tại Triển lãm hàng không Singpore 2012. |
Hiện nay, Châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông là các mục tiêu hàng đầu của các công ty vũ khí.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2006 đến 2010, 6 trong 10 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất đến từ khu vực châu Á Thái Bình Dương và các công ty vũ khí phương Tây hi vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn.
“Đã có nhiều thương vụ lớn với khu vực châu Á. Các nước Malaysia, Indonesia và Singapore đã đặt những đơn hàng vũ khí hải quân và máy bay chiến đấu rất lớn”, ông Paul Holtom từ SIPRI nói.
![]() |
Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. |
Trong 6 năm qua, Ấn Độ là nhà nhập khẩu máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới và có vẻ sẽ không đánh mất danh hiệu đó. Do đó, cuộc chiến giữa các nhà sản xuất nhằm giành giật hợp đồng trị giá 20 tỷ đô la cung cấp máy bay chiến đấu đa chức năng của nước này đã kéo dài trong nhiều năm. Thông tin mới nhất là máy bay chiến đấu Rafale của Pháp có giá “mềm” hơn các đối thủ đã được Ấn Độ lựa chọn. Hợp đồng trị giá 11 tỷ đô la với Ấn Độ có lẽ sẽ cứu nhà sản xuất máy bay này của Pháp thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính.
![]() |
Chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin, Hoa Kỳ được trưng bày tại Triễn lãm hàng không Singapore. |
Một trong những "ngôi sao" được chú ý của triển lãm năm nay sẽ là chiếc máy bay F35 của nhà sản xuất Hoa Kỳ Lockheed Martin. Theo ông Jennings, xét về thế hệ máy bay chiến đấu mới, có thể coi F35 là không có đối thủ.
Theo ông Jennings, mặc dù các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ đang tự phát triển các máy bay chiến đấu của riêng mình những họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể cạnh tranh được với các đối thủ hiện nay từ châu Âu, Nga và Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp này.
Tùng Lâm