Cả trường hàng trăm cô trò mắc cúm
Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã phun khử trùng ổ dịch. |
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn Nguyễn Tiến Tôn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức đoàn công tác để điều tra, khám, lấy mẫu bệnh phẩm, tiến hành xử lý ổ dịch.
Khởi phát ca bệnh đầu tiên xuất hiện từ ngày 4/5/ 2019, với triệu trứng ho, sốt, đau đầu, sổ mũi. Đến ngày 6/ 5, có 92 giáo viên, học sinh đều có cùng triệu chứng.
Tất cả các trường hợp này đều được theo dõi chặt chẽ, điều trị triệu chứng. Cho đến thời điểm này, diễn biến của các bệnh nhân chưa có trường hợp nào nặng nề và biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp đã ổn định sức khỏe, trở lại học tập bình thường.
Kết quả điều tra qua dấu hiệu lâm sàng, dịch tễ, kết quả điều trị bước đầu cho thấy đây là ổ dịch nghi ngờ dịch cúm.
Để xác định chủng cúm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm và gửi 7 mẫu bệnh phẩm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm, chẩn đoán. Đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch như phun Cloramin B toàn bộ nhà trường để sát khuẩn, khử trùng nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh. Hướng dẫn cho giáo viên, học sinh nhà trường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm như: Giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; khi có triệu chứng bệnh,cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
Cúm mùa (B hay A (H1N1), A (H3N2)) là loại cúm thường gặp ở Việt Nam, do vi rút gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của người bệnh (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với người bệnh (cốc chén, bát đũa, thau chậu…). Phần lớn những trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng ba ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn... Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài ba ngày đầu, nhưng có thể lên bốn đến tám ngày, nhiệt độ cơ thể thường tăng nhanh và cao, thậm chí lên đến hơn 40 độ C.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.... Vì thế, nếu có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.