Cả thế giới 'thắt lưng buộc bụng', con tôm Việt lao đao
Xuất khẩu giảm mạnh
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu nhích dần lên, mức sụt giảm đã nhẹ hơn. Song, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng thu về 901 triệu USD, giảm 34%; tôm sú đạt 178 triệu USD, giảm 29%; các loại tôm khác đạt 139 triệu USD, giảm tới 40%.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 khách hàng lớn nhất của con tôm Việt xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng khiến sức mua giảm. Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phải "thắt lưng buộc bụng", lựa những thực phẩm giá rẻ để cân đối chi tiêu.
Nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ, nên hoạt động xuất khẩu tôm của nước ta bị ảnh hưởng.
Việc xuất khẩu sụt giảm đã ảnh hưởng mạnh đến giá tôm nguyên liệu trong nước. Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tháng 5/2023, giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL có xu hướng giảm đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu chậm, trong khi lượng thu hoạch tăng cao dẫn đến cung vượt cầu.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 18.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 242.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg giảm 13.000 đồng/kg còn 197.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg giảm 5.000 đồng/kg còn 145.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 30 con/kg giảm 18.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 117.000 đồng/kg; cỡ 40, 60, 70 con/kg giảm 8.000-10.000 đồng/kg còn lần lượt 111.000 đồng/kg, 91.000 đồng/kg, 83.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giảm 5.500 đồng/kg còn 76.500 đồng/kg.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Đặng Văn Bảy - nông dân nuôi tôm quy mô lớn ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre) - than thở, không những giá xuống thấp, tôm hiện nay còn khó bán. Hiện ao nuôi của ông có khoảng 150 tấn tôm thẻ chân trắng đến tuổi thu hoạch nhưng chưa bán được.
Theo ông Bảy, 3 tháng đầu năm nay, mặc dù tiêu thụ chậm nhưng giá tôm vẫn ổn định. Từ đầu tháng 4, giá tôm nguyên liệu theo chiều hướng giảm dần. Ở Bến Tre, đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá tôm thẻ chân trắng size 30 con/kg giảm chỉ còn 107.000-108.000 đồng/kg, size 60 con/kg giảm còn 90.000 đồng/kg, size từ 70-100 con/kg giảm còn 82.000-85.000 đồng/kg.
Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, giá tôm đã giảm 40-50% tùy loại, nhưng chi phí nuôi tôm năm nay lại tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái.
Nuôi tôm hơn 20 năm, ông Bảy thừa nhận chưa bao giờ phải bán tôm với giá thấp như hiện tại. Thậm chí, cả thời kỳ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu cũng không giảm sâu và neo ở mức thấp lại khó bán như bây giờ.
"Quy mô ao của tôi nếu nuôi như năm 2022 có thể đạt sản lượng 400-500 tấn tôm/năm. Song tôm đang giá thấp, khó bán nên tôi đành thả mật độ thưa, nuôi cầm chừng chờ thị trường hồi phục", ông cho hay.
Giá cao khó cạnh tranh với các đối thủ
Tại Diễn đàn tôm Việt Nam tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu mới đây, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP - cho biết, xuất khẩu tôm của nước ta bắt đầu sụt giảm từ tháng 8/2022 và kéo dài cho tới nay.
Thời điểm đầu năm nay, doanh nghiệp và hiệp hội đều dự báo hết quý I xuất khẩu tôm sẽ ổn định và bắt đầu tăng trưởng từ quý II. Song, tình huống không như mong đợi, tháng 5/2023, xuất khẩu tôm vẫn ghi nhận mức sụt giảm 28% so với tháng 5/2022.
Sang quý III/2023, xuất khẩu tôm có thể phục hồi. Bởi, lượng tôm tồn kho ở các nước đã giảm, nhà nhập khẩu phải đặt hàng để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, ông Hòe dự báo, xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 3 tỷ USD, giảm mạnh so với mức kỷ lục 4,3 tỷ USD năm 2022.
Theo đại diện Công ty CP Chế biến thuỷ sản Tài Kim Anh, 5 tháng đầu năm, doanh số nhập khẩu tôm các loại của Trung Quốc là hơn 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Song, Trung Quốc đã giảm khoảng 24,9% sản lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, nhưng lại tăng mua từ Ecuador, Ấn Độ.
Ước tính, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đứng thứ 11 và là quốc gia bị Trung Quốc giảm mua nhiều nhất. Nguyên nhân chính do giá tôm của Việt Nam quá cao.
So sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador và Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8-5,0 USD/kg) cao hơn 100% so với Ecuador (2,3-2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4-3,8 USD/kg), ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Minh Phu Seafood Corp - cho hay.
Ông Quang cũng nhấn mạnh, nếu không có giải pháp giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành tôm Việt sẽ suy thoái, thất bại, thậm chí không thể tồn tại.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch VASEP - chỉ rõ, trong chuỗi giá trị của con tôm, chúng ta làm tốt ở khâu sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ sinh thái con giống, nguyên liệu của ngành tôm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng trong một thời gian dài. Giá thành tôm Việt Nam đang tụt hậu so với thế giới.
Để nâng cao tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam, doanh nghiệp cho rằng cần có sự chung tay của các bên (nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng) nhằm cải thiện khâu giống và nuôi trồng. Đặc biệt, ngành tôm cần những chính sách ưu đãi cho phát triển bền vững, sản xuất nguyên vật liệu thiết yếu và xây dựng thương hiệu.
Tâm An