Bức tranh phản chiếu về nước Mỹ: già trẻ-giàu nghèo
Bức tranh phản chiếu về nước Mỹ: già trẻ-giàu nghèo
Tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức cao là một nguyên nhân khiến người trẻ Mỹ nghèo đi so với người già. |
Theo thông tin từ một bản phân tích về dân số vừa được công bố, một hộ gia đình Mỹ điển hình với người chủ gia đình ở độ tuổi 65 hoặc cao hơn có lượng tài sản lớn gấp 47 so với một hộ gia đình mà người chủ ở độ tuổi dưới 35.
Trong khi người ta có xu hướng tích lũy tài sản khi họ về già thì khoảng cách này đã cao gấp đôi khoảng cách của năm 2005 và cao gần gấp 5 lần khoảng cách vào thời điểm cách đây 25 năm, sau khi đã tính đến yếu tố lạm phát.
Bản phân tích trên đã cho thấy tác động của suy thoái kinh tế, đặc biệt là đối với những người trẻ. Ngày càng nhiều người theo đuổi sự nghiệp học đại học hay sau đại học và gánh khoản nợ mà họ mong sẽ trả được khi đi làm. Một số người thì phải gồng mình lên để có thể trả chi phí cầm cố nhà cửa.
Bản báo cáo này sẽ được trình trước một ủy ban quốc hội đặc biệt trước ngày 23/11 nhằm đề xuất cắt giảm ngân sách 1,2 nghìn tỷ đô la trong vòng 10 năm, cho thấy chi tiêu an sinh của chính phủ đã giúp người già Mỹ thông qua bảo hiểm xã hội và chăm sóc ý tế trong khi đó lại cắt giảm rộng rãi trợ cấp giáo dục và các chương trình khác, kể cả trợ cấp cho các gia đình nghèo.
“Điều đó khiến chúng tôi băn khoăn liệu nguồn lực khổng lồ chúng ta dành cho những người về hưu và chăm sóc sức khỏe cho họ có thể chuyển sang một phần cho những người bị tổn thương nhiều hơn họ hay không,” Harry Holzer, một chuyên gia kinh tế và chính sách công của trường đại học Georgetown nói. Ông này cũng cho biết khoảng cách giàu nghèo đã ở mức “báo động”.
Theo bản phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew, lượng tài sản thuần của các hộ gia đình với chủ hộ ở độ tuổi trên 65 là 170.494 USD, cao hơn mức của năm 1984. Đây là năm Cục dân số bắt đầu thu thập thông tin về tài sản theo độ tuổi. Lượng tài sản thuần tiêu biểu của các hộ gia đình với người chủ ở độ tuổi trẻ là 3.662 USD, thấp hơn 25 năm trước 68%.
Lượng tài sản thuần bao gồm giá trị ngôi nhà của người đó, các tài sản và tài khoản tiết kiệm tích lũy được qua nhiều năm như cổ phiếu, tài khoản ngân hàng, bất động sản, ô tô, tàu thuyền hay các tài sản khác sau khi trừ tài sản cầm cố, nợ đại học và các hóa đơn thẻ tín dụng. Người già Mỹ có xu hướng có nhiều tài sản thuần hơn bởi lẽ họ đã trả hết các tài sản cầm cố và tiết kiệm được từ lương, cổ phiếu và các khoản đầu tư khác theo thời gian.
Trong khi khoảng cách về tài sản ngày càng lớn do người dân kết hôn muộn và số các ông bố bà mẹ đơn thân tăng lên, cuộc suy thoái kinh tế và đổ vỡ của thị trường nhà đất đã khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
Đối với người trẻ, tài sản chính của họ là ngôi nhà. Tài sản nhà cửa của họ đã giảm 31% kể từ năm 1984, nguyên nhân là nợ tăng và giá nhà thì giảm. Ngược lại, những người Mỹ từ 65 tuổi trở lên có xu hướng mua nhà trước cuộc bùng nổ nhà đất rất lâu và vì thế giá trị tài sản nhà cửa của họ lại tăng đến 57% ngay cả sau khi thị trường nhà đất đi xuống.
Người già Mỹ có việc làm trong thời gian lâu hơn trong khi những người trẻ bây giờ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao nhất kể từ thế chiến thứ II. Kết quả là, thu nhập tiêu biểu của các hộ gia đình già kể từ năm 1967 đã tăng với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với những người thuộc nhóm dưới 35 tuổi.
Thu nhập từ bảo hiểm xã hội chiếm đến 55% lượng thu nhập hàng năm của những hộ gia đình già và tình hình này chưa hề thay đổi kể từ năm 1984. Lương hưu, sau khi tính đến lạm phát, đã là nguồn thu bền vững ngay cả khi các nguồn trợ cấp an sinh cho các nhóm dân khác như các sinh viên có thu nhập thấp đã không thể theo kịp mức tăng chi phí hoặc đã bắt đầu suy giảm. Ủy ban quốc hội tối cao đang đề xuất các khoản cắt giảm ngân sách và đang xem xét liệu có nên cắt giảm các chương trình hỗ trợ đại học, như thắt chặt đầu vào hay yêu cầu sinh viên trả lãi suất ngay khi họ đang đi học.
Sheldon Danziger, một chuyên gia về chính sách công của trường đại học Michigan và chuyên nghiên cứu vấn đề nghèo đói, nhấn mạnh việc học phí đại học tăng quá nhanh do chính quyền của các bang cắt giảm trợ cấp cho các trường đại học công. Chi tiêu liên bang dành cho học bổng cho các các sinh viên có thu nhập thấp đã tăng lên đôi chút, nhưng tỉ lệ học bổng giúp trang trải cho chi phí học tập tại các trường đại học lại giảm đi.
“Người già đã có thu nhập an sinh toàn diện mà hầu hết những người khác, đặc biệt là người trẻ không có,” ông Danziger nói.
Paul Taylor, giám đốc của trung tâm nghiên cứu các xu hướng xã hội và nhân khẩu học Pew và đồng tác giả của bản phân tích, cho hay bản báo cáo cho thấy những người trẻ thời nay đang phải bắt đầu cuộc sống trong điều kiện kinh tế rất khó khăn. “Nếu tình hình này tiếp diễn, nó sẽ làm dấy lên câu hỏi về lý tưởng cơ bản nhất của Giấc mơ Mỹ - là thế hệ sau sẽ làm tốt hơn thế hệ trước đó,” ông nói.
Cục dân số dự kiến sẽ công bố các số liệu mới về năm 2010 cho thấy số người nghèo Mỹ ở độ tuổi 65 hoặc cao hơn tăng mạnh do chi phí y tế tăng quá cao. Hiện nay, khoảng 9% số người già Mỹ sống dưới mức nghèo khổ theo chuẩn nghèo được xác định hồi tháng 9, nhưng con số này không tính đến các nhân tố về chi phí hàng ngày như chăm sóc sức khỏe hay chi phí đi đến nơi làm việc.
Robert Moffitt, giáo sư kinh tế học của trường đại học Johns Hopkins, đồng tác giả của bản báo cáo đã chỉ ra một loạt các khoản cắt giảm trong các chương trình của chính phủ kể từ năm 1984 dành cho những người khó khăn nhất như trợ cấp xã hội cho các ông bố bà mẹ đơn thân và người thất nghiệp thuộc chương trình Trợ cấp tạm thời dành cho các gia đình khó khăn. Trong khi đó Bảo hiểm xã hội và y tế lại tăng lên hoặc vẫn giữ nguyên.
“Theo thời gian, ngay cả khi thực hiện biện pháp giảm nghèo thì những người già vẫn có thu nhập tốt hơn,” ông nói.
Lê Dung