Bong gân chữa như thế nào?
Bong gân trị như thế nào? |
Theo lương y Nguyễn Ngọc Tân - Khoa Y học cổ truyền và vật lý trị liệu – Bệnh viện Đa khoa quận Thủ Đức TP.HCM, bong gân là thương tổn do chấn thương gây nên, nhưng không bị trật khớp, gãy xương mà chỉ có tổn thương ở các bao hoạt dịch bao khớp và nhất là ở các dây chằng. Những khớp hay bị bong gân xếp theo thứ tự hay gặp: cổ chân, đầu gối, bàn chân, cổ tay, các ngón tay,.. Bong gân thường gặp ở người trẻ hay hoạt động, nhất là ở các vận động viên thể dục thể thao.
Lương y Tân cho biết khi bị bong gân, người bệnh thường có triệu chứng đau tăng khi làm căng dây chằng, đau giảm khi làm chùn dây chằng, xung quanh khớp sưng nhẹ. Cử động ít bị hạn chế không có biến dạng khớp.
Những trường hợp khớp sưng to vì có máu tràn vào trong ổ khớp, ở ngoài da có vết bầm tím rộng, không có biến dạng khớp, nhiệt độ tại khớp tăng, sờ thấy nóng đây là bong gân nặng hơn.
Với những trường hợp bong gân nhẹ, người bệnh có thể dùng nhiệt lạnh đắp, chườm lạnh vào vết thương. Lấy đá để chườm rất hiệu quả. Nên chườm lạnh bên ngoài bằng nước đá (hoặc nước lạnh) trong 4 giờ đầu. Việc chườm đá làm dịu đau và co mạch, ngưng chảy máu, bớt phù nề.
Một số trường hợp có thể sử dụng phương pháp tiên tiến hơn như điện phân , điện xung, điện một chiều, siêu âm, sóng ngắn.
Tuyệt đối không được chườm nóng hay còn gọi liệu pháp nhiệt ấm, xoa bóp trực tiếp vào khớp.
Những trường hợp bong gân nặng, trong trường hợp khớp sưng to đau người bệnh phục hồi bằng tư thế trị liệu: gác chi lên cao. Nhiệt lạnh: đắp, chườm lạnh.
Với phương pháp điện trị liệu: giảm đau cải thiện tuần hoàn có thể sử dụng điện phân, điện xung, siêu âm, sóng ngắn.
Trường hợp nặng người bệnh sẽ phải bó bột, cố định chân lại. Trường hợp đã tháo bột lúc này cần nhiệt ấm trị liệu bằng cách chườm nóng hoặc ngâm chân trong nước ấm.
Người bệnh luyện tập dáng đi cho đúng, vận động để các cơ uyển chuyển hơn.