Bong gân càng xoa bóp bệnh càng nặng
Theo thói quen, nhiều người thường dùng rượu để xoa bóp vùng bong gân nhưng đây là cách điều trị làm bệnh nặng hơn, có thể thành bong gân mãn tính.
Anh Đặng Thái Anh (29 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết tháng trước anh đi chơi bóng đá không may bị trật khớp, bong gân. Anh Thái Anh đi chụp X-quang bác sĩ cho biết chỉ là chấn thương bong gân nên không cần điều trị, về nhà nghỉ ngơi, theo dõi.
Vợ và mẹ anh đã đi mua thuốc, tìm lá náng về đắp, rượu thuốc và xoa bóp hàng ngày, kết quả, tình trạng đau ngày càng tăng. Vùng tổn thương sưng phù, tím bầm lại. Khi vào viện khám bác sĩ cho biết anh điều trị sai vì xoa bóp quá nhiều gây tụ máu và bầm tím, tổn thương ngày càng nặng hơn.
Anh Thái Anh cho biết may đi kiểm tra sớm hơn nếu cứ ở nhà xoa bóp với rượu thì có thể dẫn tới bong gân mãn tính sau này không chơi thể thao được nữa.
Chị Lê Thị Thanh (33 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, 9 tháng trước một lần đi xe, chiếc xe bị nghiêng nên chị dùng tay đỡ khiến bị bong gân ở cổ tay. Chị Thanh đi chiếu chụp bác sĩ chỉ báo chị bong gân. Vì làm nghề bán hàng ăn nên cũng khó nghỉ ngơi.
Hàng ngày, chị Thanh đi xoa bóp ở cổ tay để giảm tình trạng bong gân nhưng vùng bong gân ngày càng sưng. Chị Thanh lại đi đắp thuốc và đến nay tình trạng vẫn không đỡ. Khoảng một đến hai tháng, cổ tay chị lại sưng đau.
Khi đến bệnh viện kiểm tra, chị Thanh mới hay mình đã bị bong gân mãn tính vì trước đó điều trị không đúng và hiện tại cũng không thể điều trị thêm được mà phải sống chung với nó.
Bong gân chỉ chườm đá, không nên xoa bóp |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Trung – Phó trưởng khoa Ngoại, BV Đa khoa quốc tế Cần Thơ, cho biết bong gân là chấn thương ở vùng khớp gây đau nhức khó chịu đặc biệt khi vận động, chơi thể thao.
Bong gân là tai nạn có thể xảy ra khi vận động, sinh hoạt hàng ngày thậm chí đi bộ trên đoạn đường dài chỉ cần trượt chân cũng có thể gây bong gân, khi chơi thể thao có va chạm cũng gây bong gân, hoạt động bê vác nặng.
Thậm chí, BS Trung cho rằng bong gân cũng có thể xảy ra khi các hoạt động diễn ra liên tục. Ví dụ bạn chơi cầu lông hàng ngày và đau tiến triển nhiều hơn khi vận động mạnh hơn đó là bong gân.
Biểu hiện giai đoạn đầu của bong gân là sưng, nóng, đỏ, đau. Việc điều trị bong gân, BS Anh Trung cho biết khi chẩn đoán đúng bong gân tuỳ theo mức độ từ độ 1, 2, 3 có các phương pháp điều trị khác nhau.
Ở độ 1 bệnh nhân chỉ nghỉ ngơi, chườm đá, nghỉ từ 4 đến 6 tuần để tổn thương khỏi hoàn toàn. Nếu tổn thương rách gân thì phải điều trị hỗ trợ can thiệp thủ thuật như laser, thậm chí can thiệp tiêm thuốc để gân lành lại.
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng phải điều trị trong bong gân để “nối” lại gân vào điểm bám khớp.
Khi bị bong gân sơ cứu ban đầu là nghỉ ngơi và chườm đá khoảng 5 tới 10 phút. Cách 30 phút chườm lại 1 lần. Khi hết đau thì tiếp tục nghỉ. Nếu vận động lại đau nhiều hơn thì tiếp tục nghỉ, còn hoạt động mà không có biểu hiện đau nữa có thể sinh hoạt bình thường.
Trường hợp đau, BS Trung cho rằng người bệnh nên đến các cơ sở y tế.
Nhiều người không biết cách xử lý, thường thì họ bóp hoặc xoa vùng tổn thương. Việc này dễ làm giãn mạch vùng tổn thương, sưng phù ra, tình trạng nặng hơn… Hoặc sử dụng dầu nóng, rượu thuốc và xoa, bóp không đúng cách vùng bị tổn thương để trị bong gân tổn thương chuyển hướng từ nhẹ thành nặng.
Điều trị bong gân không đúng có thể gây tổn thương lặp đi lặp lại có thể làm đông cứng khớp, bong gân mãn tính.
BS Trung cho biết cách sơ cứu bị bong gân đơn giản nhưng rất quan trọng. Nếu bong gân vùng khớp gối bệnh nhân cần để khớp ở tư thế duỗi thẳng có thể nẹp bất động để tổn thương không nặng lên.
Sau nẹp, người bong gân có thể chườm đá để giảm đau và đi tới cơ sở y tế để xác định bong gân độ nào để có hướng xử lý. Đa phần bong gân xử lý nội khoa và bất động.
Để hạn chế bong gân nhất là người hay chơi thể thao bạn nên duy trì tập thể dục buổi sáng hàng ngày. BS Trung cho rằng đây là cách khởi động các khớp để nó hoạt động trơn tru hơn đặc biệt khớp gối, khớp vai, cổ chân.
K.Chi