Bỗng dưng bị Sacombank báo nợ, đẩy vào "danh sách đen” cấm xuất cảnh
Sacombank có làm sai quy trình mở thẻ?
Mới đây Infonet nhận được đơn của bà Đỗ Thị Thanh K. (39 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM) phản ánh về việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có dấu hiệu cố ý làm sai quy trình cấp thẻ tín dụng, gián tiếp gây ra những thiệt hại đáng kể cho bà.
Trình bày với PV Infonet bà K. cho hay, vào năm 2011, bà Hứa Thị G. (57 tuổi, người làm chung cơ quan với bà K) đang cần một khoản tiền để sửa nhà nên nhờ bà đứng tên để mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng Sacombank. Vì không muốn liên can đến chuyện nợ nần nên bà K. không đồng ý.
Bà K. phản ánh Sacombank có dấu hiệu cố ý làm sai quy trình cấp thẻ tín dụng, gián tiếp gây ra thiệt hại cho bà. |
Nhiều lần trong năm 2014, bà K. liên tục nhận được những tin nhắn đòi nợ từ phía Sacombank mà không rõ lý do. Tìm hiểu ra thì bà K. biết đã bị bà G. mạo danh làm các thủ tục mở thẻ tín dụng với hạn mức sử dụng là 50 triệu đồng ở Ngân hàng Sacombank. Và nay bà G. đã không còn khả năng thanh toán.
Bởi là người đứng tên trong hợp đồng mở thẻ tín dụng nói trên và do khoản nợ bị chậm thanh toán nên đến ngày 25/4/2015 bà K. bị Ngân hàng Sacombank khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản ra TAND Quận 12.
Trong bản tự khai tại tòa sau đó, bà G. trình bày, do việc sửa nhà phát sinh thêm nhiều chi phí nên nhờ bà K. đứng tên mở thẻ vay giúp. Lúc nhân viên ngân hàng đến cơ quan làm thủ tục mở thẻ thì bà K. đang nằm viện và bà G. đã tự ý ký thay, hoàn tất hồ sơ.
Bà G. cũng thừa nhận: “Nay tại tòa án Quận 12 tôi xin cam kết sẽ chịu trách nhiệm đóng số tiền này vì thủ tục bán nhà chưa xong. Xin ngân hàng cho tôi đến 30/10/2014 tôi sẽ trả một lần”.
Bà K. cho rằng bà không hề làm thủ tục xin mở thẻ hay ký bất cứ giấy tờ nào, thế nhưng Ngân hàng Sacombank cũng hoàn tất thủ tục và thậm chí còn giao thẻ đứng tên mình cho bà G. sử dụng. Các đợt thanh toán và đòi nợ sau này bà G. đều làm việc trực tiếp với Sacombank.
“Theo tôi được biết, khi ký giấy để nghị cấp cũng như lúc giao nhận thẻ thì ngân hàng phải kiểm tra giấy tờ tùy thân bản chính và đối chiếu chữ ký rất kỹ. Không hiểu sao thẻ mang tên tôi mà ngân hàng lại có thể giao cho bà G. sử dụng”, bà K. ngạc nhiên trước quy trình cấp thẻ của Sacombank.
Khốn đốn vì bị liệt vào danh sách “đen”
Trong buổi hòa giải vào ngày 3/3/2016 vừa qua, trước sự có mặt của các bên tại TAND Quận 12, bà G. một lần nữa khẳng định xin chịu trách nhiệm về toàn bộ khoản nợ liên quan đến thẻ tín dụng mang tên bà K. Đồng thời, bà này còn cam kết sẽ là người thanh toán số tiền còn nợ cho Sacombank.
Theo bà K, vụ tranh chấp hợp đồng vay kiểu “tình ngay lý gian” với Sacombank đã gây ra bà không ít thiệt hại cho bà. Bởi với khoản nợ chưa được thanh toán mà ngân hàng này đã “liệt” thông tin tín dụng của bà vào nhóm 5 (là nhóm khách hàng có dư nợ cho vay có khả năng mất vốn) trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Vì điều này mà khi bà K. làm thủ tục xin cấp Visa đi nước ngoài đã bị từ chối bởi khi cơ quan chức năng kiểm tra thấy tên bà K. nằm trong diện người có thông tin tín dụng “xấu”.
Chưa hết, cuối tháng 12/2015 bà K. có vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (Agrinbank) – Chi nhánh Xuyên Á số tiền 30 triệu đồng, thời hạn vay đến hết năm 2017. Vì bị “bêu tên” trên CIC mà ngày 27/1/2016 phía Agribank đã phát thông báo buộc bà K. phải thanh toán trước hạn số tiền đã vay trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ khởi kiện bà ra tòa.
Về phía Sacombak, đại diện ngân hàng này trong vụ kiện đồng ý xác nhận hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng mang tên Đỗ Thị Thanh K. do bà G. chịu trách nhiệm và Sacombank xác lập ngày 1/9/2011 là giao dịch dân sự vô hiệu kể từ thời điểm xác lập. Đề nghị bà G. trả ngay 50 triệu đồng cho ngân hàng. Ngoài ra đại diện này còn khẳng định, phía Sacombank có nghĩa vụ chấm dứt hành vi đưa thông tin không chính xác liên quan đến bà K. trên CIC trước ngày 10/3/2016.
Trước những rắc rối “từ trên trời rơi xuống” liên quan đến vụ việc, bà K. cho biết nếu Sacombank không làm đúng như nội dung hoà giải tại Toà, thì bà sẽ làm đơn phản tố gửi TAND Quận 12 yêu cầu Sacombank chấm dứt ngay hành vi đưa thông tin tín dụng cá nhân lên CIC, đồng thời buộc ngân hàng này phải bồi thường uy tín, danh dự cho mình.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, ở đây có 2 trường hợp xảy ra. Một là giả sử Sacombank đã thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ phát hành thẻ theo điểm c, điểm đ Điều 9 Quyết định số 20 năm 2007 của Thống đốc NHNH, nhưng vì bà G. có sự lừa dối tinh vi nên Sacombank không thể nhận biết mà ký kết và giao thẻ tín dụng, mã PIN của chủ thẻ mang tên bà K. Hai là trường hợp Sacombank không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ phát hành thẻ, dẫn đến hậu quả không phát hiện sự lừa đối của bà G.
Cả hai trường hợp đều dẫn đến giao dịch mở thẻ tín dụng nêu trên bị vô hiệu mà không có lỗi của bà K. Mặt khác, nếu Sacombank thừa nhận và cam kết chấm dứt hành vi đưa thông tin không chính xác về khách hàng lên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia, tức là Sacombank đã thừa nhận có thực hiện một hành vi có lỗi, dù vô ý hay cố ý , mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Vì vậy, bà K. có thể kiện yêu cầu Sacombank bồi thường thiệt hại. Cụ thể, theo Điều 611 Bộ luật dân sự thì trường hợp bồi thường về danh dự uy tín , tổn thất tinh thần có mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ngoài việc yêu cầu Ngân hàng chấm dứt hành vi vi phạm thì khách hàng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi , cải chính công khai theo quy định BLDS.