Bom nguyên tử ở Hiroshima: Người Nhật đã thấy địa ngục trần gian

Khi Nhật Bản đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới, những nạn nhân sống sót có dịp hồi tưởng lại nỗi ám ảnh của chiến tranh.

Sunao Tsuboi, khi ấy còn là một sinh viên 20 tuổi, không cần bất kỳ một lời gợi ý nào để nhớ lại cuộc chạm trán kinh hoàng của mình với địa ngục trần gian. Khuôn mặt đầy sẹo của ông chính là bằng chứng thuyết phục nhất mà ông mang theo mình suốt 7 thập kỷ qua. Khi nhớ lại hình ảnh của mình trong ngày định mệnh đó, ông Tsuboi lấy ra một tấm ảnh đen trắng và chỉ vào một thanh niên trẻ, đầu cạo trọc, đang quay lưng vào máy ảnh.

“Đây là tôi. Lúc đó chúng tôi hy vọng tìm được sự trợ giúp y tế nhưng không đâu có, không có cả nước và thức ăn. Tôi nghĩ rằng cuộc đời mình thế là kết thúc”, ông hồi tưởng.

Bom nguyên tử ở Hiroshima: Người Nhật đã thấy địa ngục trần gian - ảnh 1

Ông Tsuboi chỉ vào hình ảnh của mình 70 năm trước.

Địa điểm trong bức ảnh là cây cầu Miyuki, Hiroshima, ba tiếng sau khi Enola Gay, máy bay ném bom B-29 của Mỹ, thả một quả bom hạt nhân 15-kiloton xuống thành phố vào sáng ngày 6/8/1945. Khoảng 60.000 đến 80.000 người thiệt mạng ngay lập tức và trong những tháng tiếp theo, con số này đã lên tới 140.000 người.

Trong ảnh, ông Tsuboi đang ngồi trên đường cùng một vài người khác, họ đang nhìn chằm chằm vào các tòa nhà đổ nát xung quanh. Bên khác, các nhân viên cảnh sát đang tưới dầu ăn lên người các em học sinh để giúp các em bớt đau đớn trước những vết bỏng loang lổ khắp người.

Càng gần tới ngày kỷ niệm 70 năm cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên trong lịch sử, ông Tsuboi và hàng nghìn hibakusha (những người sống sót sau vụ bom hạt nhân) một lần nữa lại cảm nhận rõ nét mùi vị chết chóc khi đó.

“Những người như tôi đang dần mất đi sức lực khi nói về những trải nghiệm đau thương của mình cũng như tiếp tục chiến dịch chống lại vũ khí hạt nhân”, ông Tsuboi, người hiệu trưởng nghỉ hưu đã đi khắp thế giới để cảnh báo về sự đáng sợ của một cuộc chiến hạt nhân, nói.

Tuổi thọ trung bình của 183.000 nạn nhân sống sót sau vụ tấn công Hiroshima và Nagasaki lần đầu tiên đã tăng lên trên 80 tuổi vào tháng trước.

Bom nguyên tử ở Hiroshima: Người Nhật đã thấy địa ngục trần gian - ảnh 2

Hình ảnh của ông Tsuboi trên cầy Miyuki.

Ông Tsuboi nhớ lại mình đã nghe thấy tiếng nổ khủng khiếp, sau đó ông bị hất lên không trung và rơi xuống đất cách xa chỗ cũ 10m. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình bị bỏng hầu khắp cơ thể, quần áo của ông đều bị rách tơi tả do lực của vụ nổ.

Ông Tsuboi, đồng Chủ tịch của hội Nihon Hidankyo, một tổ chức tập hợp các nạn nhân của bom nguyên tử và hydro, nhớ lại: “Cánh tay của tôi bị bỏng nghiêm trọng và có thứ gì đó chảy ra từ đầu ngón tay tôi. Phần lưng tôi đau rát nhưng tôi không hề biết được chuyện gì vừa xảy ra. Tôi nghĩ rằng mình đã đứng rất gần một quả bom lớn chứ không hề có ý nghĩ rằng đó là một quả bom hạt nhân và tôi đã bị nhiễm xạ. Có rất nhiều khói trong không khí khiến tôi không thể nhìn được gì trong khoảng cách 100m nhưng những gì tôi chứng kiến khi đó không còn gì nghi ngờ rằng đó chính là địa ngục trần gian”.

“Mọi người gào khóc cầu giúp đỡ, réo gọi tên người thân. Tôi nhìn thấy một cô bé học sinh với đôi mắt đã rớt khỏi tròng. Ai ai trông cũng giống như những bóng ma vậy, toàn thân chảy máu và cố gắng bước đi trước khi gục ngã. Một số người đã đứt lìa chân, tay. Xác người nằm la liệt khắp nơi, trên đường, trên sông suối. Tôi nhìn xuống và thấy một người đàn ông đang lấy tay bít một lỗ thủng trên bụng mình, cố ngăn không cho các nội tạng rơi ra ngoài. Mùi xác thịt cháy bao trùm không khí”, ông kể lại cảnh tượng khi đó.

Ông Tsuboi được đưa tới một bệnh viện và bất tỉnh hơn một tháng. Trong khoảng thời gian ông nằm viện, Nhật Bản nằm dưới sự kiểm soát của quân đồng minh Mỹ. “Tôi không hề biết rằng chiến tranh đã kết thúc. Thật khó để nắm bắt thông tin”, ông nói.

Kể từ đó, ông Tsuboi phải nhập viện tổng cộng 11 lần, trong đó có ba lần tiến hành phẫu thuật và bác sĩ từng nói rằng ông sắp chết. Ông cũng phải điều trị một số bệnh nghiêm trọng, bao gồm hai lần chuẩn đoán ung thư do bị phơi nhiễm phóng  xạ.

Dù lời kể của các nạn nhân bom nguyên tử giờ đây là một vấn đề lịch sử nhưng các hibakusha đang nỗ lực để đảm bảo những trải nghiệm của họ không bị chôn vùi sau khi họ ra đi, đặc biệt là khi thế giới đứng trước các mối đe dọa hạt nhân.

Đầu năm nay, một trong những chi nhánh tích cực nhất của Hội Hidankyo thông báo giải tán sau khi các thành viên của hội, hầu hết trong độ tuổi 80, 90, cho rằng họ đã quá già, không thể tiếp tục hoạt động. Hiroshi Shimizu, một thành viên ban quản trị Hidankyo, là một cậu bé mới ba tuổi khi quả bom nguyên tử phát nổ cách nhà ông 1,6km, cho biết: “Trong 10 năm tới, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như nhiều thành viên trong hội chúng tôi còn sống. Nếu các hibakusha tiếp tục lên tiếng chống lại các loại vũ khí hạt nhân thì những người khác cũng sẽ nghe theo. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần tiếp tục chiến dịch càng lâu càng tốt, đến khi nào sức khỏe chúng tôi còn cho phép”.

Hiroshima và Kunitachi, một thành phố nhỏ ở phía Tây Tokyo với một số lượng ít người còn sống sót sau vụ bom nguyên tử, đã nỗ lực gìn giữ gia tài của các hibakusha bằng cách tạo ra các khóa học “người kể chuyện” cho những người dân không bị tác động trực tiếp bởi vụ tấn công và những người không có họ hàng là nạn nhân của bom nguyên tử. Trong khi đó, Hội Hidankyo cũng bắt đầu tiếp cận tới thế hệ con cháu của các nạn nhân.

Tháng trước, Yoshiko Kajimoto, một nạn nhân 84 tuổi, đã kể lại câu chuyện của bà qua Skype tới hàng chục các thành viên Quốc hội Anh và một đoàn đại biểu các hibakusha mới đây cũng tham gia hành trình vì hòa bình tới 24 quốc gia cùng tổ chức phi chính phủ Peace Boat.

Tính đến tháng 8/2014, số người chết do ảnh hưởng của hai quả bom nguyên tử đã lên tới hơn 450.000 gười, trong đó 292.325 người ở Hiroshima và 165.409 người ở Nagasaki.

Bom nguyên tử ở Hiroshima: Người Nhật đã thấy địa ngục trần gian - ảnh 3

Bà Hiroko đang nhìn lại tấm ảnh chụp cả gia đình trước vụ ném bom nguyên tử.

Hiroko Hatakeyama, mới 6 tuổi vào năm 1945, cho biết: “Tôi sẽ không còn ở đây trong vòng 10 hay 15 năm tới, vì vậy câu hỏi mà chúng tôi đặt ra là làm thế nào để gửi đi thông điệp của mình. Tôi gần như không còn năng lượng để tiến hành các chiến dịch thời gian gần đây và tôi cũng không còn sợ chết nữa. Nhưng cùng lúc đó tôi nhận ra rằng nhiệm vụ của chúng tôi, những người sống sót là duy trì càng lâu càng tốt, để vinh danh những kỷ niệm của những người đã khuất”.

Ông Tsuboi, người đã có ba người con và 7 người cháu, sẽ thực hiện chuyến viếng thăm thường niên tới công viên Hòa bình Hiroshima vào ngày 6/8 tới. Vào tối hôm đó, ông sẽ thả một chiếc đèn lồng dọc sông Motoyasu, nơi hàng nghìn người đã gieo mình để chạy trốn sức nóng của vụ nổ hạt nhân, với ý nghĩa dẫn đường cho linh hồn những người quá cố.

Với vai trò là một trong những nạn nhân của bom nguyên tử, ông Tsuboi sẽ có cuộc trò chuyện ngắn với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. “Thay mặt những nạn nhân của bom nguyên tử, tôi sẽ hỏi ông Shinzo Abe mọi thứ trong phạm vi quyền lực của ông có thể làm để giúp thế giới thoát khỏi vũ khí hạt nhân hay không. Và tôi sẽ tiếp tục lặp lại yêu cầu đó cho đến hơi thở cuối cùng”, ông Tsuboi khẳng định.

Nội dung được tham khảo từ nguồn tin của The Guardian, nhật báo được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh thuộc sở hữu của Guardian Media Group. Thành lập năm 1821, đây là một tờ báo hiếm hoi trong các tờ báo lớn ở Anh thuộc sở hữu bởi một tổ chức phi lợi nhuận. Đây là tờ báo nổi tiếng với khuynh hướng chính trị trung tả.

Tuệ Minh (Lược dịch)

Khoảnh khắc lính dù Nga bắn hạ UAV 'khủng' của Ukraine

Một lính dù Nga đã tìm được cách dùng súng ngắn bắn hạ thành công một máy bay không người lái (UAV) mang chất nổ của Ukraine.

Video Nga công phá 2 hệ thống tên lửa Mỹ ở tây nam Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video quay cảnh quân đội nước này tấn công, phá hủy 2 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ chế tạo ở vùng Odessa, tây nam Ukraine.

Dàn tên lửa hiện đại của Nga trở thành ‘khắc tinh’ của F-16 ở Ukraine

Dàn tiêm kích F-16 mà các nước NATO hứa chuyển cho Ukraine sẽ bị các tên lửa hiện đại của Nga săn lùng, và tiêu diệt giống như cuộc tấn công đã phá hủy 5 chiếc Su-27 gần đây.

Nga hé lộ phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không tầm ngắn Komar

Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Komar của Nga cung cấp khả năng phòng thủ tầm ngắn cho tàu chiến nhỏ và tàu hỗ trợ có lượng giãn nước lên tới 50 tấn.

Nga lần đầu ra mắt xuồng không người lái tại triển lãm quốc phòng

Nga vừa ra mắt xuồng không người lái “Vizir”, “Orkan”, “BEK-1000” tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải quốc tế FLEET-2024.

Video UAV Nga phóng lưới 'tóm gọn' UAV của Ukraine

Quân đội Nga đã triển khai loại máy bay không người lái (UAV) mang tên Setkomet có khả năng phóng lưới để "bắt" các UAV của Ukraine.

FPV Nga truy đuổi, hạ gục xe tăng Mỹ viện trợ cho Ukraine trong đêm

Một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga kể lại vụ truy đuổi, tấn công phá hủy xe tăng Abrams do Mỹ viện trợ cho Ukraine vào ban đêm.

Nữ hành khách người Việt khỏa thân ở sân bay Philippines vì bị phạt quá hạn visa

Một nữ hành khách người Việt đã bất ngờ khỏa thân tại sân bay Ninoy Aquino (Philippines) sau khi được yêu cầu trả thêm phí quá hạn visa.

Video lữ đoàn biệt kích Ukraine vô hiệu hóa xe tăng ‘mai rùa’ Nga bằng UAV

Chỉ với những chiếc UAV cảm tử, Lữ đoàn biệt kích biệt lập số 71 Ukraine đã khiến xe tăng ‘mai rùa’ của Nga hư hại nặng.

Video Ukraine phóng tên lửa nước ngoài, phá hủy S-400 của Nga ở Donetsk

Quân đội Ukraine đã phóng tên lửa đạn đạo ATACMS, phá hủy hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga ở khu vực Donetsk.

Đang cập nhật dữ liệu !