Bộ Y tế ra công điện hỏa tốc ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ ở Bắc Bộ
Công điện do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký gửi sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kan, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… và các Vụ/Cục như: Quản lý Khám chữa bệnh, Y tế dự phòng, Quản lý môi trường Y tế, An toàn thực phẩm, Quản lý Dược và Vụ Kế hoạch – Tài chính.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trong những ngày tới, ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh miền núi nhất là những khu vực đã bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua.
Để chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành, các Vụ/Cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, có kế hoạch khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, đề phòng lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét đối với các khu vực miền núi, ngập úng ở vùng trũng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh thành phố tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lũ quét.
Công điện cũng nhấn mạnh “các địa phương cần chủ động triển khai các phương án khắc phục hậu quả do mưa bão, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi bão đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh ngoài da…
Đồng thời Sở Y tế các tỉnh thành phải hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín, uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Các đội cấp cứu ngoại viện luôn trong trạng thái sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, Bộ Y tế cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động , sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa lũ gây ra.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh phải tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của mưa lũ tổ chức trực ban, trực cấp cứu sẵn sàng cấp cứu cho nạn nhân nếu gặp sự cố.
Đối với Cục Y tế Dự phòng, Bộ cũng yêu cầu chỉ đạo TTYTDP các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng tăng cường công tác kiểm tra giám sát, vệ sinh phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn nhân dân vùng lũ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, thực hiện…
Ngoài ra các Vụ/Cục liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được phân công chuẩn bị các phương án, kịp thời chỉ đạo các đơn vị theo hệ thống khẩn trương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.