Bộ Y tế: Mong muốn xử vụ Hoàng Công Lương đúng người đúng tội tránh oan sai
Đáng chú ý, cuộc họp báo này diễn ra chỉ 1 ngày trước khi HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình công bố bản án sơ thẩm theo dự kiến.
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế); ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).
Theo ông Nguyễn Huy Quang, sự cố y khoa xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình xảy ra ngày 29/5/2017 làm 9 người tử vong là sự cố không ai mong muốn và chưa từng xảy ra trong quá trình chạy thận tại Việt Nam.
Việc chạy thận nhân tạo được tiến hành tại các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương và là kỹ thuật thường quy. Đã là kỹ thuật thường quy lại xảy ra bất thường nên được đánh giá là chưa từng xảy ra.
Ông Nguyễn Huy Quang (đứng) đang trả lời các câu hỏi của báo chí. |
Ông Quang cũng cho biết, hóa chất được sử dụng rửa lọc máy chạy thận ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình không nằm trong danh mục cho phép. Đây là hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL) được bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) sử dụng để sục rửa các vỏ màng lọc RO và đã tồn dư một lượng lớn trong đường ống RO.
Chủ thể thực hiện công việc này là Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Trâm Anh.
Về phía Bộ Y tế, ông Quang cho biết đại diện Bộ đã có mặt kịp thời khi xảy ra sự cố trên cách đây 1 năm để cùng các đơn vị liên quan giải quyết sự cố. Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo quyết liệt như: Đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc; gửi 2 văn bản trả lời cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình; Bộ Y tế cũng cộng tác với cơ quan công an.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định quan điểm của Bộ Y tế là mong muốn HĐXX xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai.
Với những phân tích qua diễn biến phiên toà, Bộ Y tế mong muốn: nếu có thể được, đề nghị toà tuyên bác sỹ Hoàng Công Lương vô tội.
Cũng tại buổi họp báo này, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh đã nói về việc xây dựng quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa. Theo đó, năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4590, trong đó có quy trình chạy thận nhân tạo. Năm 2004 và 2014, Bộ Y tế tiếp tục cập nhật quy trình này. Đến năm 2018, Bộ tiếp tục bổ sung quy trình lọc máu.
Ông Khoa cũng phản bác lại thông tin Bộ Y tế không có quy trình chạy thận.
Về lĩnh vực quản lý của mình, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết: Bộ Y tế có những tiêu chuẩn, quy định quản lý thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống lọc nước RO trong chạy thận.
“Nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp thiết bị y tế phải cung cấp cho bên sử dụng, cụ thể là BVĐK tỉnh Hoà Bình có các thông tin về tiêu chuẩn thiết bị, cảnh báo nguy cơ gây bất an toàn về thiết bị, lắp đặt hướng dẫn các thiết bị cảnh báo an toàn thiết bị trước khi đưa vào sử dụng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, đơn vị sử dụng có trách nhiệm xây dựng quy trình có liên quan để phổ biến các đơn vị cụ thể hệ thống RO cần phải nắm vững, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu chất lượng nước phù hợp với máy chạy thận nhân tạo của hãng, của nhà sản xuất, xây dựng hệ thống lọc nước phù hợp với máy do nhà sản xuất cung cấp.