Bộ Y tế đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc. Hiện nay, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì thuốc lá.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang, mặc dù các bộ, ngành và địa phương đã có sự hưởng ứng tích cực đưa Luật vào cuộc sống, nhưng tính nghiêm minh và chế tài xử lý vẫn còn nhiều vấn đề.
Bộ Y tế đề xuấttăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá |
Mặc dù giá bán thuốc lá tối thiểu đã được điều chỉnh tăng và đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2013, nhưng giá bán tối thiểu và mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt còn thấp và giá xuất xưởng thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.
Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp. Cho đến nay, việc thực hiện thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu chưa được thực hiện, còn tồn sáu triệu bao chưa được xử lý.
Bà Trần Thi Trang cho biết, chế tài xử lý vi phạm được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Lực lượng thanh tra mỏng, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc.
Các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, chưa được triển khai toàn quốc, làm giảm sự tiếp cận của luật đối với tuyến dưới.
Vì thế, bà Trần Thi Trang,Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng, và quản lý chặt thuốc lá làm nóng. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá.
Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường Internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.
Cũng theo bà Trang, sau 5 năm đã có sự thay đổi hành vi của người dân về sử dụng thuốc lá. Có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc cũng như nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy tại nơi công cộng và nơi làm việc.
“Hầu như không còn hiện tượng cán bộ, công chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc; không còn hiện tượng mời, ép buộc sử dụng thuốc lá; giảm việc tặng quà, biếu, mời thuốc trong các dịp lễ, tết, đám cưới, đám hiếu…”.
Hiệu quả triển khai thực hiện quy định môi trường không khói thuốc, đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiều học, 2.502 trường THCS, 1.010 trường THPT thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà… 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà, 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên và trong nhà; 305 nhà hàng, 400 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà.
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong 5 năm qua đã có 195.000 công nhân viên chức lao động bỏ thuốc, trên 200.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động giảm hút thuốc lá.
Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động năm 2015 giảm đáng kể so với năm 2010 (báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành): Tại gia đình giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%; tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống còn 42,6%; tại các trường đại học, cao đẳng giảm từ 54,3% xuống còn 37,9%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống còn 19,4%...
Bên cạnh đó, hiểu biết của người dân về tác hại của hút thuốc là thụ động đã tăng đáng kể. Năm 2018 hầu hết những người được hỏi tin rằng tiếp xúc với thuốc lá thụ động gây ra các bệnh về phổi (92%, so với 86% năm 2016); hầu hết những người không hút thuốc trong năm 2018 (96%) đều nói rằng họ quan tâm đến sức khỏe của con họ khi hút thuốc gần con; 93% cho biết mọi người nên yêu cầu ngườu hút thuốc không hút thuốc gần người khác và 96% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút khi gần trẻ em.
Đối với kết quả kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống tác hại thuốc lá, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin: Giai đoạn 2015-2018 các lực lượng chức năng đã kiểm tra 3.740 cơ sở, đến nay số tiền xử phạt các hành vi vi phạm là hơn 706 tỷ đồng. Từ 1-5-2013 đến 21-12-2018 các tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm 929 vụ liên quan đến buôn lậu, sản xuất thuốc lá giả, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới… với 1.367 bị cáo.