Bộ Y tế có cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ không?
Công văn của Bộ Y tế |
Theo đó, sau khi tiến hành theo dõi, giám sát và thẩm định những trường hợp sản phụ tử vong tại các địa phương cũng như tiếp thu ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy, trong số các trường hợp mổ lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm,… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị y tế trên toàn quốc (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y trực thuộc Bộ Quốc Phòng; Cục Y tế trực thuộc Bộ Công an; cơ quan y tế của các bộ ngành) chỉ đạo các các đơn vị y tế có triển khai phương pháp phẫu thuật bắt con (bao gồm cả bệnh viện ngoài công lập) áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với những sản phụ nói trên, không được thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với sản phụ đẻ mổ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua dư luận đã hiểu nhầm là Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai là sai. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ gây mê hồi sức Phạm Trung Nghĩa - Bệnh viện Hồng Đức, TP.HCM cho biết văn bản này của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp bởi trong các trường hợp nhau bong non, nhau cài răng lược nên gây mê nội khí quản cho sản phụ.
Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ Nghĩa, hiện nay có hai phương pháp gây mê nội khí quản và gây tê tủy sống để mổ lấy thai và biện pháp gây tê tủy sống được thực hiện nhiều hơn.
So với gây mê nội khí quản thì gây tê tủy sống ưu việt hơn nhiều. Nếu sản phụ khỏe mạnh bác sĩ gây tê khi mổ sản phụ tỉnh táo, em bé sinh ra khóc nhanh, phổi hoạt động tốt hơn, không có nguy cơ suy hô hấp vì khi gây mê nội khí quản thuốc mê cũng có thể ngấm vào em bé.
Còn gây mê nội khí quản nguy hiểm cho sản phụ hơn nhất là tình trạng sặc thức ăn do dạ dày của sản phụ bị chèn, khi gây mê, sản phụ có nôn ói rất nguy hiểm.
Gây tê tủy sống có biến chứng như chóng mặt, sốt nhưng so với gây mê nội khí quản thì gây tê tủy sống vẫn an toàn hơn. Nhiều mẹ lo ngại có thể bị liệt sau gây tê tủy sống mổ lấy thai. Bác sĩ Nghĩa cho biết đây là một trong những tai biến có thể gặp của gây tê tuỷ sống, tỷ lệ xảy ra khoảng chừng 1/200.000. Giống như bất cứ thủ thuật y khoa nào nó đều có tiềm ẩn nguy cơ tai biến xảy ra.
Còn gây tê ngoài màng cứng là trường hợp gây tê cho các sản phụ muốn đẻ không đau (đẻ thường nhưng không đau) và gây tê để giảm đau sau mổ.