Bộ TT&TT sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để ngăn chặn Fake News
Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, trong thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được 4.466 video clip xấu độc trên trang YouTube theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây, theo đó, đã hạ nguyên 6 kênh. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Năm 2018, trong công tác quản lý về thông tin điện tử, Bộ TT&TT nghiên cứu phương án rà soát, giám sát thông tin trên mạng, đồng thời tổng hợp các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng. Triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam (chủ yếu là đối với Facebook và Google). Facebook, Google đã phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và YouTube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube.
Việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các mạng xã hội nước ngoài khi đối tượng vi phạm thường ẩn danh hoặc giả mạo người khác gây khó khăn trong công tác điều tra.
Facebook, Google đã phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong năm qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; yêu cầu phải có đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm tại Việt Nam giúp quy trình xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm được nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News dựa trên những kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam. Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả mạng xã hội tích hợp đa dịch vụ trên nền tảng hạ tầng công nghệ theo định hướng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ sinh thái số.