Bộ TT&TT: Đề xuất lập Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu
Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đưa ra tại Diễn đàn Cao cấp CNTT Việt Nam 2019 (ICT Summit) tổ chức vào ngày 8/8/2019.
Chia sẻ về Đề án Chuyển đổi số quốc gia, theo ông Phúc, trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam sẽ gặp những thách thức sau: các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu chậm chuyển đổi số; vấn đề bảo vệ tính riêng tư; nguy cơ an ninh mạng; hình thành các mối quan hệ mới trong không gian mạng chưa có tiền lệ; thiếu nhân lực ICT; nguy cơ mất việc làm vì chuyển đổi số.
Bên cạnh những thách thức, ông Phúc cho rằng, Việt Nam cũng đang có không ít cơ hội cho nền kinh tế khi chuyển đổi số như thoát bẫy thu nhập trung bình; thông minh hóa các lĩnh vực kinh tế xã hội (giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, điện lực…); tăng năng suất lao động; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tăng cường hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó là những cơ hội cho xã hội gồm công khai minh bạch, giảm tham nhũng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách số hay sẽ giúp Chính phủ phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, tầm nhìn của Đề án chuyển đổi số Quốc gia sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu trong khu vực. |
Theo ông Phúc, tầm nhìn của Đề án chuyển đổi số Quốc gia sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu trong khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Bên cạnh đó, mọi người đều có thể tham gia, không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số, đồng thời giữ gìn những giá trị cơ bản của con người.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2030 sẽ nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các mục tiêu như kinh tế số tăng trưởng hàng năm 20%, năng suất lao động tăng trưởng hàng năm 8-10%; Top 20 thế giới và Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, còn có mục tiêu xây dựng Chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn, lọt Top 50 về chỉ số Chính phủ điện tử.
Mục tiêu cũng bao gồm xây dựng một xã hội số, trong đó 100% người dùng di động được sử dụng mobile payment (thanh toán di động); eID (định danh điện tử) được phát triển và sử dụng rộng rãi; người dân được sống an toàn, hạnh phúc trong không gian mạng; 100% người dân có Internet băng rộng, điện thoại thông minh.
Lộ trình chuyển đổi số Việt Nam gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 (2020-2022) tăng tốc sẽ bao gồm việc đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước. Giai đoạn 2 (2023-2025) sẽ là giai đoạn cạnh tranh, chuyển đổi số nâng cao năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Giai đoạn 3 (2026 -2030) là giai đoạn chuyển đổi phát triển nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.
Để thực hiện điều này, các cơ quan quản lý cần xây dựng môi trường pháp lý chung cho chuyển đổi số gồm thực hiện Sandbox cho mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ số mới cũng như rà soát, sửa đổi các Luật để thúc đẩy chuyển đổi số.
"Đề án cũng đề xuất thành lập Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng đứng đầu. Trong đó Bộ TT&TT sẽ là cơ quan thường trực", ông Phúc nói.
Đối với các địa phương, sau khi Đề án được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung, KPI (chỉ tiêu) theo từng giai đoạn.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số và có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số trong từng thời kỳ.