Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chính phủ sẽ rất hoan nghênh nếu QH giám sát Formosa
Chiều 21/7, trao đổi với báo chí về việc ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Quốc hội nhiệm kỳ trước vẫn còn hiện tượng cả nể nhưng với Formosa thì không thể cả nể nữa và phải thành lập ngay Ủy ban lâm thời để điều tra.
Liên quan đến việc này, bên hành lang Quốc hội vào chiều 21/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự ủng hộ với việc tham gia giám sát của Quốc hội.
![]() |
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong lần báo cáo vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
"Tôi cho rằng, nếu có sự tham gia của Quốc hội thì càng tốt, càng cần. Chính phủ chắc chắn sẽ rất hoan nghênh nếu có giám sát Quốc hội. Bởi giám sát Quốc hội là trực tiếp, hiện nay chúng ta có Mặt trận tổ quốc, cơ quan Nhà nước, Quốc hội giám sát tối cao, ở góc độ pháp luật, các chủ trương lớn. Hoàn toàn rất cần nhưng có cần Ủy ban giám sát lâm thời hay không khi các Ủy ban Quốc hội đang thực hiện như thế thì cái đó phải xem, còn giả sử Quốc hội nếu cần thì sẽ xem xét", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cũng liên quan đến đề xuất này, Tổng thư ký Quốc hội khóa 13 Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được ý kiến này và nếu có thành lập thì phải có quy trình, theo quy định của pháp luật.
Trước đó, khi trả lời câu hỏi "Từ câu chuyện Formosa, phải chăng công tác giám sát hoạt động của Quốc hội với các cơ quan hành pháp phải được chú trọng hơn?", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Đúng là việc giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp cần phải nỗ lực hơn, sâu sát hơn và kiên quyết hơn. Nhiệm kỳ này phải rút kinh nghiệm nhiệm kỳ trước về việc này”.
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, trong Quốc hội, chúng ta còn có hiện tượng cả nể. Do đó các Ủy ban phải làm đúng vai trò của mình hơn. Các đại biểu Quốc hội khi đã là đại biểu dân cử rồi thì phải đặt trách nhiệm dân cử lên cao hơn và tránh tình trạng nể nang. Chính tình trạng nể nang này làm cho việc giám sát không đến nơi đến chốn, khi cần làm thì không làm.
"Với những hành vi như đã được phanh phui trên công luận, có thể thấy công tác hành pháp đã sơ hở. Có lúc tôi có cảm giác như cơ quan quản lý nhà nước đã bất lực trước những sai phạm đó, kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương", ông Trương Trọng Nghĩa nói.