Bộ trưởng Tài chính kiến giải thắc mắc về nợ công
Triển khai Nghị quyết 07 của Đại hội Đảng khóa XII và Nghị quyết của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm tài chính quốc gia bền vững, tinh thần đặt ra với yêu cầu quản lý nợ công là hoàn thiện thể chế, đảm bảo vững chắc công cụ quản lý nợ công, đảm bảo đúng quy định pháp luật có liên quan; nghiên cứu phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nợ của NHNN không thuộc nợ công
Giải trình ý kiến của các ĐBQH về phạm vi nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo thông lệ quốc tế, phạm vi nợ công bao gồm nợ trực tiếp của Chính phủ, bao gồm của cả trung ương và địa phương. Các nghĩa vụ nợ thực chất là các khoản nợ của Chính phủ, Chính phủ vay và chịu trách nhiệm trả nợ trực tiếp từ NSNN. Các nghĩa vụ nợ dự phòng và các khoản nợ của Chính phủ không phải là chủ thể đi vay nhưng có cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ thể đi vay mất khả năng trả nợ một phần hoặc toàn bộ.
Về nợ của DNNN, Bộ trưởng Tài chính cho biết phạm vi nợ công đã tính vào khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh.
“Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả, DNNN là Công ty TNHH MTV hoạt động bình đẳng với các DN khác theo quy định và được quản lý theo Luật Quản lý đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và DN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Sẽ đến lúc phải thay đổi
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ tính nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công nếu đủ 3 điều kiện: Chính phủ sở hữu 50% vốn của DN trở lên; Hoạt động thu – chi của DNNN được kết cấu trong dự toán ngân sách hàng năm; và Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp DN mất khả năng trả nợ. Ngoài ra, qua khảo sát 40 nước và nhóm nước, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công.
“Nợ của NHNN nhằm thực hiện chính sách tiền tệ cũng không thuộc nợ công vì NHNN Việt Nam thực hiện vai trò là Ngân hàng Trung ương, thực thi chính sách tiền tệ, đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán. Bản chất của việc phát hành này là thực hiện nghiệp vụ thị trường mở để điều hòa cung ứng tiền tệ theo quy định tại Điều 10 của Luật NHNN Việt Nam năm 2010.” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng dẫn chứng thông lệ quốc tế, ở phần lớn các nước, Ngân hàng Trung ương là ngân hàng độc lập, Thống đốc Ngân hàng Trung ương không thuộc thành viên Chính phủ. Đối với Việt Nam, bên cạnh vai trò là Ngân hàng Trung ương theo thông lệ quốc tế, NHNN Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, bao gồm các nội dung quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 4 Luật NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, NHNN Việt Nam không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ, nên hoạt động huy động vốn của NHNN Việt Nam không thuộc phạm vi nợ công.
Về nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập, các khoản Chính phủ vay và cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học đã được tính vào khoản nợ của Chính phủ. Theo quy định hiện hành, các khoản vay theo cơ chế tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như quy định áp dụng đối với DN.
Về chỉ tiêu an toàn nợ công, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh lại theo hướng Quốc hội quyết định các chỉ tiêu này theo kế hoạch tài chính 5 năm. Về thẩm quyền quyết định nợ công, Chính phủ quyết định về chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách và các chương trình, dự án khác theo thẩm quyền. Việc xây dựng các chiến lược ngành đều phải căn cứ vào chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề cụ thể liên quan.
Về nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nợ công, các ĐBQH cho rằng theo Luật Chính phủ, thông qua bộ máy của Chính phủ và chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, giao Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng những vấn đề liên quan đến nợ công cũng đưa vào hai Luật chuyên ngành. Thứ nhất là Luật NHNN Việt Nam quy định về NHNN; thứ hai là Luật Đầu tư công quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT.
Nói về đại diện của Việt Nam tại hai tổ chức quốc tế là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và WB, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tại WB có 185 nước thành viên, trong đó Bộ trưởng Tài chính đóng vai trò Thống đốc tại WB là 118 nước; Thống đốc NHTW đóng vai trò Thống đốc tại WB là 6 nước, trong đó có Việt Nam; Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng các Bộ khác là 61 nước. Tại ADB, có 67 thành viên, trong đó Bộ trưởng Tài chính đóng vai trò Thống đốc là 48 nước; Thống đốc NHTW đóng vai trò Thống đốc tại ADB là 5 nước, trong đó có Việt Nam, các cơ quan khác là 13 nước.
“Mình đang hội nhập nên cũng phải tính toán, không thể một mình một kiểu. Rồi đến lúc cũng phải thay đổi, nhưng thay đổi vào thời điểm nào và thay đổi như thế nào thì chúng ta cũng phải dũng cảm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Về vấn đề bảo lãnh nợ nước ngoài, cho vay lại, hiện nay vay ODA và vay trái phiếu Chính phủ đều là của ngân sách Nhà nước. Cho nên việc quyết định nguồn vốn tín dụng để thương thảo, đi vay nhưng trong tổ chức, quản lý thì phải do nhà nước. Bộ trưởng cho rằng cần phải có lộ trình quản lý để làm sao không ảnh hưởng lớn đến quản lý nợ công. Quan điểm của Bộ Tài chính là đưa quản lý nợ công về một đầu mối.
“Về đâu cũng được, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đều được. Có chủ trương thì quyết thành hành động. Chúng tôi cho rằng khi đã có cam kết chính trị, kinh tế để cho vay thì bình đẳng với nhau, có những khoản cam kết cho VN vay nhưng Về vấn đề bảo lãnh nợ nước ngoài, cho vay nợ thì chúng tôi tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH và tiếp tục rà soát trên tinh thần siết chặt”.