Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gửi thông điệp "cứng rắn" tới Trung Quốc
Trong một bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á, được tổ chức tại Singapore, ông Mattis tuyên bố: “Xin hãy nhớ: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một khu vực được chúng tôi ưu tiên hàng đầu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc. |
Bộ trưởng Mỹ cũng chỉ trích việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới.
“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức và cơ hội trong những năm tới. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ quyết định của Trung Quốc nếu họ mong muốn hòa bình và sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả các quốc gia trong khu vực”, ông Mattis nói.
“Thế nhưng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại với chính sách cởi mở mà chúng tôi luôn đề cao. Điều này khiến người ta nghi ngờ mục đích những hành động của Bắc Kinh”, ông nhấn mạnh.
Vấn đề tranh chấp Biển Đông là một trong những đề tài thảo luận nóng được nêu ra trong hội nghị, trong lúc Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động nhằm khẳng định vị thế thống trị của mình trong khu vực.
Trung Quốc đã đẩy mạnh sự hiện diện tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tiến hành bồi đắp các bãi đá thành các đảo nhân tạo và xây dựng các cơ sở hạ tầng nhiều khả năng là để phục vụ mục đích quân sự, mặc dù Tòa án Trọng tài quốc tế đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông.
Vào tháng 5, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho triển khai các máy bay ném bom có thể trang bị vũ khí hạt nhân ra đảo nhân tạo (đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Trước đó vài tuần, cơ quan tình báo Mỹ tuyên bố rằng có khả năng cao Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không ra khu vực này nhằm phục vụ các hoạt động diễn tập quân sự.
“Quá trình quân sự hóa các quần thể nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc bao gồm việc triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, hệ thống gây nhiễu điện tử và máy bay ném bom”, ông Mattis phát biểu. “Trái với tuyên bố của Trung Quốc, sự xuất hiện của các loại khí tài quân sự này nhiều khả năng được dùng cho mục đích đe dọa và gây hấn”.
Tuần trước, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã lại gần khu vực 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một động thái khiến Trung Quốc tức giận.
Máy bay ném bom Trung Quốc hạ cánh xuống đảo nhân tạo ở Biển Đông. |
“Tôi nghĩ rằng những gì đang diễn ra đi ngược hoàn toàn với phán quyết của tòa án quốc tế, đó là chúng ta có quyền tự do đi lại trên những vùng biển này”, ông Mattis nói. “Chúng tôi khẳng định quyền tự do đi lại không chỉ cho riêng Hoa Kỳ mà còn cho tất cả các quốc gia. Những hành động của chúng tôi là nhằm tái khẳng định luật pháp quốc tế”.
“Trung Quốc nên có tiếng nói trong việc củng cố trật tự quốc tế, và tất cả các nước lân cận với Trung Quốc đều có quyền định đoạt đến vai trò của Trung Quốc”, ông Mattis nói, đồng thời tiết lộ rằng ông sẽ đến Bắc Kinh trong thời gian tới “theo lời mời của Trung Quốc”.
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Mattis có nhắc đến đôi điều về tình hình bán đảo Triều Tiên. Ông vẫn tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ hợp tác mà Mỹ đang có và nói rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là một quá trình phi hạt nhân hóa rõ ràng có thể được tiến hành trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Mattis cũng đề cập đến vấn đề Đài Loan. Trung Quốc từ lâu coi đảo này là một tỉnh tách rời và mong muốn Đài Loan hợp nhất với nước này. Trung Quốc cũng bị Đài Loan cáo buộc đã gia tăng sức ép đối với Đài Loan trong những tuần gần đây, cụ thể là họ đã dùng những biện pháp ngoại giao và kinh tế để cô lập Đài Loan.
“Chúng tôi phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi tình trạng hiện tại và sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp nhằm xóa bỏ những bất đồng giữa hai bên eo biển Đài Loan”, ông Mattis nói.