Bộ trưởng Pháp tuyên bố Paris không ‘phục tùng’ Washington
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire |
Ông Le Maire nói: “Chủ quyền chính trị của chúng tôi phụ thuộc vào chủ quyền công nghệ. Pháp từ chối phục tùng Hoa Kỳ và Trung Quốc. Pháp muốn cùng với châu Âu trở thành nhà lãnh đạo”.
Bộ trưởng Le Maire nói thêm, hiện châu Âu nhận thức được rằng Hoa Kỳ đang trở thành “đối tác khó tính”, còn “người khổng lồ Trung Quốc” đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Do đó, ông chắc chắn rằng, đã đến lúc châu Âu nên tự khẳng định mình như “một cường quốc độc lập, có chủ quyền, biết bảo vệ công nghệ của riêng mình và đầu tư vào chúng”.
Bộ trưởng Pháp khẳng định, để đối phó với những thách thức do Hoa Kỳ và Trung Quốc đặt ra trong lĩnh vực kinh tế, châu Âu cần phải tạo ra các dự án đầy tham vọng của riêng mình trong lĩnh vực sản xuất và phát triển công nghệ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/3, một số nhà ngoại giao châu Âu cho biết Pháp đang ngăn chặn các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và điều này làm các quốc gia khác của Liên minh châu Âu (EU) giận dữ vì lo ngại việc tái khởi động cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![]() |
Cuộc gặp của các lãnh đạo EU và Trung Quốc tại Paris hôm 26/3/2019 (Nguồn RIA Novosti) |
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc họp của các đặc phái viên thuộc các quốc gia thành viên EU. Các quan chức trên đang khó khăn để quyết định nhiệm vụ khởi động các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương, do vấp phải sự phản đối của Paris, nước đang lo lắng về một sự thất bại trong nước chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử châu Âu, được ấn định từ ngày 22-26/5.
Tuy nhiên, Đức rất muốn đạt được một thỏa thuận nhằm xoa dịu Tổng thống Trump và tránh thuế của Mỹ được áp đặt lên ô tô, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Đức.
Theo đuổi một thỏa thuận thương mại hạn chế là nội dung chính của một thỏa thuận đã được Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhất trí với cam kết không áp dụng thuế quan mới sau khi các mức thuế về thép và nhôm được thực thi.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thành lập một ‘quân đội chung toàn châu Âu’, độc lập với Hoa Kỳ, trong đó nhằm mục đích đảm bảo an ninh mạng.
Ý tưởng này được Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ. Về phần mình, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu, Federica Mogherini nói rằng Liên minh châu Âu (EU) không tham gia xây dựng một "quân đội châu Âu" và sẽ không cạnh tranh với NATO.