Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Phải thay đổi tư duy để không chỉ lắp ráp, gia công sản phẩm công nghệ nước ngoài"
Tối 27/2, tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình “Gặp gỡ ICT Xuân Kỷ Hợi 2019 – Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Tin học Việt Nam và Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam”, với sự tham dự của 14 tổ chức xã hội nghề nghiệp về công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) và một số hội tin học tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ TT&TT cho Hội Tin học Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội. |
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Chúng ta vừa đi qua dấu mốc đất nước 30 năm đổi mới. Nếu trước đây 30 năm, công nghệ thông tin và viễn thông là khái niệm mới, chưa được nhắc tới nhiều thì nay ICT đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, sẽ góp phần cho sự phồn vinh của dân tộc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
“Năm 2018, tổng doanh thu ngành đã vượt mốc 100 tỷ USD với giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều chỉ số xếp hạng ICT của Việt Nam vẫn còn thấp, dưới trung bình của thế giới và có xu thế tụt hạng: xếp thứ 108/193 về phát triển viễn thông, 88/183 về chính phủ điện tử, 100/193 về an toàn an ninh mạng”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu "cả quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều cần sự đột phá trong tư duy, chính sách và cách tiếp cận". |
Bộ trưởng nhắc lại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, tại đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT trên thế giới. Chúng ta phải xây dựng nền công nghiệp ICT vững mạnh, đi tiên phong trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hóa, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G…; Phấn đấu để Việt Nam trở thành cường quốc về ICT, về công nghiệp CNTT, về điện tử, viễn thông, về an ninh mạng, ít nhất là trong TOP 50.
Để làm được điều này, “các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông phải đi đầu, tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Tôi đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức để không chỉ lắp ráp, gia công, tiêu dùng sản phẩm công nghệ nước ngoài mà phải làm chủ công nghệ, tạo ra sản phẩm, công nghệ “make in Việt Nam””, người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ICT là ngành lớn và quan trọng với đất nước. Việt Nam muốn “hóa rồng”, sánh vai các cường quốc thì phải bằng công nghệ, dùng công nghệ để giải các bài toán, vấn đề Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
“Khi cách mạng công nghiệp xảy ra, tương lai không nằm trên đường kéo dài quá khứ. Các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá nhưng phải có tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều cần sự đột phá trong tư duy, chính sách và cách tiếp cận”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Hưởng ứng đề nghị của người đứng đầu Bộ TT&TT, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc CMC đã chia sẻ khát vọng CMC, đó là slogan mới: “Khát vọng chinh phục thế giới số”.
“Cách đây 1 năm, chúng ta ước mơ có nhiều doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp hàng tỷ đô la. Giờ chúng tôi công bố CMC chính thức chạy trên con đường để trở thành doanh nghiệp tỷ đô la. Rất mong Việt Nam không chỉ có FPT, CMC, Viettel... mà cần có nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Việt Nam muốn đi xa thì cần rất nhiều người, nhiều công ty chung tay gánh vác thì sự nghiệp xây dựng quốc gia hùng cường, quốc gia số sẽ thành công”, ông Nguyễn Trung Chính bày tỏ.
* Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam: Các hội, hiệp hội ICT đã làm tốt việc phản biện chính sách
“Nhìn lại 1 năm qua các hội, hiệp hội ICT đã tích cực hoạt động, phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt công tác phản biện chính sách. Chẳng hạn như các hội, hiệp hội đã làm tốt, rất hiệu quả việc góp ý cho Luật An ninh mạng; Phối hợp tư vấn phản biện góp ý sửa đổi một số văn bản như Nghị định số 102 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Quyết định số 80 về thuê dịch vụ CNTT, các văn bản về thuế, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chính phủ điện tử, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, blockchain..; Tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
* Ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam: Mong có sự đồng lòng để đạt khát khao "Việt Nam hùng cường"
“Chúng tôi rất mong các hội, hiệp hội, doanh nghiệp ICT đồng lòng hợp tác để có các sản phẩm cụ thể từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nhãn hiệu Việt Nam để đạt khát khao “Việt Nam hùng cường”.