Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học”
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT trong 8 năm thực hiện đề án xã hội hóa giáo dục, các địa phương đã xóa mù chữ cho trên 300.000 người độ tuổi 15-60. Nhiều mô hình, hoạt động hữu ích được triển khai như quỹ khuyến học, dòng họ khuyến học, xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung đến tận các xã, phường ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết vẫn còn những hạn chế như công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm; hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân. Số lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức...
Cùng với những sáng kiến, đề xuất triển khai xã hội học tập ở giai đoạn mới, để thúc đẩy phát triển xã hội học tập trước những thách thức mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030". Bộ GD-ĐT đề nghị xúc tiến dự án luật học tập suốt đời để có hành lang pháp lý cho việc thực hiện, cũng tạo động lực mạnh mẽ trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành với địa phương trong việc triển khai.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập, và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập; trong đó tập hợp những cá nhân, thành viên hiếu học”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị |
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thì công việc của Bộ GD&ĐT trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thoả mãn tất cả nhu cầu học tập đó.
Hai việc này được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có một xã hội học tập rất năng động. Và đáp ứng nhu cầu học mọi lúc, mọi nơi, học qua mọi phương tiện, học mọi nội dung… chính là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, với sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của các bộ, ngành khác.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xác định thật rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập. Trong đó thông qua hệ thống truyền thông, hoạt động xã hội, đoàn thể. Trong các khâu cần đẩy mạnh, tác động, dẫn dắt, vai trò của cá nhân trong phát triển xã hội học tập là vô cùng quan trọng.
Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân. Từng cá nhân phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt; các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập.
“Nếu không có sự vào cuộc, tham dự, nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp thì xã hội học tập sẽ thiếu đi một động lực vô cùng quan trọng. Hiện nay, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng chúng ta cần ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Nếu chỉ trông chờ vào đào tạo 3-4 năm trong trường đại học, hay thời gian ngắn trong trường nghề và nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề - quan điểm đó cần được điều chỉnh.
Hệ thống trường đại học và các trường nghề cũng hướng đến trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng; nhưng không có những chương trình trang bị tất cả mọi thứ như doanh nghiệp mong muốn.
Do đó, doanh nghiệp phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp; cùng các trường đào tạo nhân lực mang tính cá biệt cho nhu cầu riêng của đơn vị, doanh nghiệp. Sức sống của một doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đầu tư cho việc học của nhân viên như thế nào” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích.
Về công việc trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT rà soát các mô hình để đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, để củng cố từng thành tố tham gia phát triển xã hội học tập.
Cùng với đó, chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: xoá mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường các hoạt động truyền thông và định hướng xã hội đối với việc học tập; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên...
Những viêc này sẽ được Bộ GD&ĐT đưa vào trong Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn tiếp theo. Việc tận dụng những lợi thế của thời kỳ chuyển đổi số, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho xây dựng và phát triển xã hội học tập cũng sẽ được lưu ý trong thời gian tới.
Hoàng Thanh