Bộ trưởng Mỹ: Washington sẵn sàng dùng hải quân để chặn tàu biển Nga
Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại thành phố Pittsburgh (Mỹ), ông Zinke nói rằng Hải quân Mỹ có thể phong tỏa Nga nếu cần thiết để ngăn nước này “kiểm soát” hoạt động cung cấp năng lượng cho các nước Trung Đông giống như ở Châu Âu.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke (phải) có mặt tại tháp Trump Tower. |
“Bằng lực lượng Hải quân của mình, Hoa Kỳ có khả năng đảm bảo rằng mọi tuyến đường biển đều được thông thoáng, và nếu cần có thể phong tỏa để năng lượng của Nga không được ra thị trường”, ông Zinke nói.
Theo báo Washington Examiner, ông Zinke có mặt trong sự kiện này là nhằm giải thích vì sao công nghệ thủy lực cắt phá cũng như sự bùng nổ nhu cầu của dầu đá phiến đã giúp Mỹ có lợi thế lớn trước những đối thủ cạnh tranh như Nga và Iran, khi họ không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ nước ngoài.
“Nga từ trước tới nay vẫn bổn cũ soạn lại”, ông Zinke nói, đồng thời khẳng định nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xuất khẩu năng lượng. “Tôi tin lý do họ xuất hiện ở Trung Đông là bởi họ muốn chào hàng năng lượng của mình giống như họ đã làm ở Đông Âu”.
Khi được hỏi về việc Mỹ sẽ đối phó với Nga và Iran như thế nào, ông Zinke đưa ra hai cách. “Chúng ta có biện pháp quân sự, song tôi không muốn lựa chọn này. Bên cạnh đó, chúng ta có biện pháp kinh tế”, ông nói. “Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ thay thế năng lượng mà hai nước này cung cấp. Chúng ta có thể làm vậy bởi Hoa Kỳ là quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất trên thế giới”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã phản đối những dự án nhằm cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho các quốc gia khác, bao gồm dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi các nước đồng minh Châu Âu ngừng hoạt động xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy dọc biển Baltic tới một trung tâm tiếp nhận khí đốt ở Đức. Đây là dự án có sự tham gia của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga với các công ty Engie của Pháp, OMV AG của Áo, tập đoàn Shell của Anh và Hà Lan, và công ty Uniper và Wintershall của Đức. Mục tiêu của nó là nhằm cung cấp 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm cho Liên mình Châu Âu.
Washington đang mong muốn kêu gọi các nước Châu Âu mua khí tự nhiên hóa lỏng của mình và khẳng định dự án của Nga là một trong những cách để nước này kiểm soát chính trị đói với Châu Âu. Mỹ cũng đã thực hiện nhiều phương án để cản trở và đối phó với dự án này.