Bộ trưởng GD&ĐT: Trường ĐH yếu kém sẽ quy hoạch thành phân hiệu các trường ĐH lớn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ |
Lộ trình đổi mới có nhiều thang bậc
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) và nhiều đại biểu khác về phương án đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước năm 2014 Bộ đã thực hiện đổi mới thi cử rất nhiều. Mỗi kỳ thi, phương thức thi có ưu điểm và hạn chế khác nhau.
“Gần đây, trước năm 2015, về cơ bản, hình thức thi "3 chung" có nhiều ưu điểm nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Theo tinh thần của Nghị quyết 29 là đổi mới thi cử theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, ít tốn kém và khách quan thì kì thi "3 chung" vẫn nhiều tốn kém và nhiêu khê. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng đề án đổi mới thi cử theo tinh thần của Nghị quyết 29, áp dụng một kỳ thi với 2 mục đích.
Năm 2015, kỳ thi THTP Quốc gia đã thành công, chỉ có điều khi xét tuyển thì hồ sơ rút ra, rút vào rối rắm. Tuy nhiên, không vì điều này mà chúng ta đánh giá kỳ thi 2015 không tốt, bởi kì thi đã giảm được nhiều áp lực, tốn kém", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì rút kinh nghiệm trong việc thí sinh từ tỉnh này phải sang tỉnh kia thi, năm 2016, Bộ đã điều chỉnh để thí sinh ở tỉnh nào thì thi ở tỉnh đó. Sau năm 2016, Bộ tiếp tục lược bỏ thi đại học theo cụm, chỉ giữ lại cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức ở mỗi địa phương, nhưng đề thi do Bộ thực hiện và tăng cường giảng viên đại học hỗ trợ. Ưu điểm của cách làm này là mỗi thí sinh được chấm một mã thi riêng nên bảo đảm tính khách quan, công bằng và ít tốn kém thời gian.
"Trong lộ trình đổi mới có nhiều thang bậc. Bộ GD&ĐT không muốn dồn nhanh, gây tâm lí không tốt cho xã hội, mà chúng tôi hoàn thiện dần theo từng năm, tiếp cận dần đến sự hợp lý. Từ năm 2017 trở đi, kỳ thi tiếp tục sẽ có điều chỉnh. Chúng tôi cũng xin rút kinh nghiệm vì công tác truyền thông, hướng dẫn chưa đầy đủ, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Trăn trở khi sinh viên ra trường không có việc làm
Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị Minh (Quảng Trị) về việc hơn 191.000 sinh viên đại học ra trường không có việc làm trong khi việc đào tạo còn lãng phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận vấn đề này và ông cho cho biết bản thân ông cũng rất trăn trở. Theo Bộ trưởng, số sinh viên ra trường có việc làm ngay chủ yếu thuộc nhóm trường top trên, có bề dày, kinh nghiệm; còn phần lớn sinh viên ra trường chưa có việc làm tốt nghiệp từ các trường thuộc nhóm yếu, mới thành lập. Bộ đã việc với VCCI và các doanh nghiệp để đào tạo lại, bổ sung cho nhóm đối tượng này, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ siết chặt cả đầu vào và đầu ra các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, tới đây, Bộ sẽ điều chỉnh mạng lưới trường đại học, áp dụng chuẩn với các trường đại học. Những trường yếu kém sẽ được quy hoạch là thành viên của các trường đại học lớn hoặc là phân hiệu. Việc quy hoạch mạng lưới sẽ giúp hình thành các trường chất lượng, tập trung ở trung ương hoặc theo vùng miền, không nhất thiết phải dàn trải ở khắp các địa phương.
Cùng chung mối quan tâm về việc 191.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, trong đó có nhiều người là người dân tộc thiểu số, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) muốn biết Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐTBXH để giải quyết vấn đề này như thế nào.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã làm việc Bộ LĐTBXH nhưng thời lượng làm việc chưa được nhiều. Ông nhận khuyết điểm của Bộ về việc này. Ông cho thêm, việc cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số không bám sát thực tế nên khi học xong về địa phương, các em không có công ăn việc làm. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, ưu tiên cử tuyển gắn với việc làm.
Về đánh giá của Ngân hàng thế giới với nguồn nhân lực Việt Nam năm 2016 là yếu về chất lượng, thiếu năng động, sáng tạo, kiến thức, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng ngoại ngữ... được đặt ra trong chất vấn của đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận điều này và cho rằng, chất lượng giáo dục thấp có nguyên nhân là chương trình đào tạo chưa bám sát thị trường lao động, quá chú trọng kiến thức mà chưa chú trọng kỹ năng thực tế. Vì vậy, thời gian tới, vấn đề này sẽ được điều chỉnh để giáo dục bám sát thực tế, bám sát ý kiến nhà tuyển dụng, thị trường lao động nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo gắn liền với việc làm.