Bộ trưởng Cao Đức Phát: Buôn lậu chỉ còn “lác đác vài tấn”
Chiều 27/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNTđã báo cáo Chính phủ một số kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: "biện pháp cấp bách tạo thu nhập cho người dân là đẩy nhanh xuất khẩu" |
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong thời gian qua đã thực hiện chương trình tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ giá cho người nông dân. Trong ngành chăn nuôi chủ yếu sản xuất để tiêu thụ trong nước, nên hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu ở trong nước. Số lượng nhập khẩu vào Việt Nam rất nhỏ. Bên cạnh đó tình hình kiểm soát buôn lậu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nên hiện nay “chỉ còn lác đác vài tấn”, không đáng kể.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc tạm trữ chỉ mang tính tình thế, biện pháp cấp bách tạo thu nhập cho nông dân hiện nay chính là biện pháp thị trường, mà quan trọng nhất là xuất khẩu. Trong thời gian tới Bộ sẽ tháo gỡ tín dụng, chính sách tiền tệ có liên quan, giảm thuế, kiểm soát nhập khẩu, chống buôn lậu, hỗ trợ cho DN tháo gỡ rào cản để thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù vậy Bộ trưởng cũng cho rằng cần có sự điều chỉnh dài hạn, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, nếu không sẽ lặp lại tình thế như thế này. Điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, bắt đầu từ cây lúa. Đặc biệt đối với ĐBSCL, ngay vụ thu đông này cần “điều chỉnh quyết liệt” sang trồng giống lúa tốt hơn. Tiếp tục trồng cây lúa ở vùng thuận lợi, nhưng đối với những vùng phải bơm nước nhiều thì nên chuyển sang trồng ngô.
Mặt khác phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ưu tiên cho những mục tiêu chú trọng, tiếp tục tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Mặt hàng không có lãi phải chuyển sang mặt hàng khác có khả năng sinh lãi, có thị trường, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nông thôn.
Trong lĩnh vực hạ tầng nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thể hiện sự ấn tượng của mình với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang mà trong hơn 1 năm đã làm được đường sá bằng tổng chiều dài từ Hà Nội đến Quy Nhơn. Các địa phương khác cần tập trung thực hiện.