Bộ quốc phòng Nga: Ukraine dùng bom phốt pho tấn công dân
Phía Nga khẳng định, đây là hành vi bị cấm theo điều lệ chiến tranh của luật pháp quốc tế, hãng tin Russia Today cho hay.
Nhà dân bị bắn phá ở Kramatorsk, Ukraine. |
Cáo buộc được Thiếu tướng Viktor Poznikhir, phó Chỉ huy của Tổng Tham mưu quân đoàn Nga đưa ra hôm thứ Sáu (25/7). Trước đó, một số phương tiện truyền thông cho rằng, các loại vũ khí bị cấm này được sử dụng ở miền đông Ukraine, trong các cuộc tấn công của quân chính phủ vào lực lượng ly khai chiếm đóng khu vực.
Theo vị tướng này, quân đội Nga nắm chắc về các cuộc tấn công của quân đội Ukraine. Họ đã sử dụng pháo binh với bom cháy ở Slavyansk ngày 12/6, ở Semyonovka ngày 24, 29/6, và ở Lisichansk ngày 7/7.
Ngoài ra, quân đội Nga cũng tố cáo quân Kiev không kích bằng các loại bom cháy vào ngày 21/6 ở Slavyansk và Kramatorsk, ngày 23/7 ở Donetsk, pháo kích theo cụm nhỏ ở Semyonovka vào ngày 24/7.
“Chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy ở các thành phố và làng mạc của Ukraine (mà tôi đã đề cập), bom phốt pho đã được sử dụng”, Poznikhir nói. Phía Nga cho rằng, các đám cháy lớn trên mặt đất và tia lửa trong không khí không phải là do pháo sáng mà do bom phốt pho gây nên.
Phía Nga cũng khẳng định, bằng chứng của họ dựa trên đánh giá của Bộ Quốc phòng Nga, gồm nhân chứng, thương tích của nạn nhân trong các vụ tấn công cùng thông tin mà các phương tiện truyền thông Ukraine cung cấp.
“Vũ khí đã được sử dụng để bắn phá các khu dân cư, nơi chỉ có thường dân lúc đó”, Poznikhir nhấn mạnh, “Chúng tôi tin rằng phía Ukraine muốn tiến hành các hoạt động vô nhân đạo với dân chúng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng xã hội, tạo điều kiện cho một thảm hoạ nhân đạo”.
Hầu hết các sự cố được đề cập đến xảy ra trong hoặc gần Slavyansk, một thành trì của lực lượng ly khai Ukraine. Hiện quân ly khai đã rời khỏi thành phố này, đi sâu vào Donetsk, một thành trì khác của họ và hiện cũng bị quân chính phủ tấn công.
Sử dụng vũ khí gây cháy chống lại dân thường hoặc các đối tượng quân sự nằm ở khu vực dân sự bị cấm theo Nghị định thư III của Công ước Liên hợp quốc về vũ khí thông thường. Ukraine là một thành viên tham giá ký kết Nghị định thư. Bom chùm bị cấm theo Công ước về bom chùm, nhưng Ukraine đã không phê chuẩn thỏa thuận đó.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.