Bố mẹ đánh nhau, con trở nên cộc cằn
Vợ chồng đánh nhau, con cái bất ổn
Chị T, (Thanh Oai – Hà Nội) lấy chồng được 5 năm, hai vợ chồng có với nhau 2 đứa con. Nhưng tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bắt đầu từ năm 2012. Hai vợ chồng lục đục, liên tục đánh, cãi nhau về chuyện công việc gia đình, tiền nong, chăm sóc con cái…
Vợ chồng chị T lại ở với bố mẹ chồng. Tuy nhiên, không hiểu sao, chồng chị T, anh H, chỉ nghe lời bố mẹ răm rắp. Từ những việc tế nhị của vợ chồng, anh H đều kể ra cho mẹ nghe… Khi hai vợ chồng có “xích mích”, bố mẹ chồng đứng về phía anh H, chửi mắng chị T thậm tệ.
Bố mẹ đánh nhau, chị T lo sợ con sẽ bị ảnh hưởng về tinh thần (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Chưa hết, mỗi lần chồng chị uống rượu say về lại lôi chị T ra đánh, mắng chửi, thách đố nọ kia. Mỗi khi bố đánh mẹ, 2 đứa trẻ thấy vậy khóc thét lên. Chị T cho biết, tính chồng hay say xỉn và thường xuyên đánh đập vợ vô cớ nên chị đưa 2 cháu nhỏ về ngoại để “lánh tạm”.
"Không hiểu sao số phận mình lại hẩm hiu đến vậy! Nhiều khi muốn chết cho xong, nhưng nghĩ đến cháu nhỏ, thương chúng nó... lại tự bảo mình không thể làm thế được." - Chị T xót xa cho biết.
Chị T cho biết, anh H lại được thêm bố mẹ chồng ủng hộ nên ngày càng lấn tới… Không chịu được cảnh bị làm nhục, đánh đập, chị quyết định ly hôn.
Trường hợp chị L (Thanh Trì - HN) cũng thường xuyên cãi vã với chồng, dù đã có với nhau đứa con lên 3 tuổi. Hai vợ chồng làm nghề tự do, anh K làm thợ xây. Có không ít lần chị bị anh K đánh phải đưa lên trạm xá cứu chữa. Mỗi lần như vậy, thằng bé lại lao vào bố cào cấu, cắn xé. Vì không chịu được cảnh hành hạ, chị quyết định chia tay và nuôi con.
Chị L cho biết, từ hồi hai vợ chồng chia tay, thằng bé trở nên khó tính, hay cáu gắt, lì lợm…
Trẻ bị bạo hành tinh thần biểu hiện như thế nào?
Chị Hồng Linh – Hội bảo vệ quyền trẻ em VN cho rằng, nạn bạo hành gia đình có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe của trẻ khi lớn lên. Khi gặp nạn bạo hành trẻ em có hai xu hướng tâm tính xảy ra.
Nếu biểu hiện bên ngoài, trẻ có sự thay đổi tính nết. Chẳng hạn đang hiền lành trẻ trở lên hung bạo, hay cáu gắt, hay khóc thậm chí đánh đập người khác hay độc ác với thú vật.
Ngoài ra, trẻ có thể bị thu mình lại, trở nên lo lắng, buồn phiền, ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài hoặc nếu có tiếp xúc thì có cảm giác sợ sệt, có những hành vi hoang tưởng, ảo giác… Từ đó, ảnh hưởng hình thành tính nhân cách khi trưởng thành.
Khi trẻ bị đánh đập, hoặc bị làm nhục dưới mọi hình thức trẻ trở lên lì lợm, ngang bướng, mất tính tự trọng… Hoặc sẵn sàng không tôn trọng người khác, những người trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Từ hậu quả của nạn bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em, những đứa trẻ này sẽ trở thành gánh nặng cho ngành y tế nói riêng và toàn xã hội. Vì vậy, giải pháp là nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình và nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục về pháp luật, kỹ năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ, người trông trẻ và thầy cô giáo.
Hoàn thiện Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nên xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và vai trò của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường gia đình trong việc chăm sóc bảo vệ trẻ em.