Bỏ "khẩu chiến", Mỹ nghiêm túc "hành động" với Trung Quốc ở Biển Đông
Ngay trước thời điểm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh hôm 16/5, Lầu Năm Góc thông báo Washington đang cân nhắc kế hoạch triển khai các tàu chiến và máy bay quân sự tới bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, vùng biển đang bị Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ xâm chiếm và xây dựng trái phép.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter được cho đã đưa ra nhiều phương án triển khai quân sự như điều động lực lượng tàu chiến và máy bay quân sự trong phạm vi 22 km (12 hải lý) xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang ngang nhiên cải tạo trái phép.
Bức ảnh được quân đội Philippines chụp lại cận cảnh hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel, hồi tuần trước, Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ "sẽ không do dự bảo vệ những lợi ích an ninh quốc gia và tôn trọng cam kết với các quốc gia đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương".
Ông Russel cũng nhấn mạnh, kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng và xây dựng trái phép trên các hòn đảo ở Biển Đông với tổng diện tích khoảng 800 héc ta. "Không phải là cứ đổ càng nhiều cát lên các bãi đá ở Biển Đông, Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực này", ông Russel nói.
Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh châu Á - Thái Bình Dương, ông David Shear cho biết Lầu Năm Góc đang nâng tầm quan hệ liên minh với Nhật Bản và Australia đồng thời tăng cường triển khai quân sự tới Biển Đông nhằm ngăn chặn "những tác động gây mất ổn định trong khu vực của Trung Quốc".
"Sự hiện diện của quân đội Mỹ không chỉ củng cố chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực mà còn ngăn chặn thái độ khiêu khích và giảm nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm trên Biển Đông", ông Shear phát biểu trước Hội đồng các mối quan hệ nước ngoài của Thượng viện Mỹ.
"Bộ Quốc phòng Mỹ đang triển khai các hành động nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trên Biển Đông như giải quyết những tranh chấp trong hòa bình, tự do hàng hải và hàng không, cũng như các quy định luật pháp quốc tế về việc sử dụng Biển Đông bao gồm quyền tự do đi lại, tự do thương mại, tôn trọng luật pháp quốc tế và duy trì nền hoàn bình và ổn định", ông Shear nói thêm.
Trước đó, hôm 8/5, bản báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc của Lầu Năm Góc đã mô tả các hành động của Bắc Kinh là "ép buộc mức dưới".
"Trung Quốc đã sử dụng hành động ép buộc cường độ thấp để áp đặt chủ quyền tại các khu vực đang xảy ra tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông", bản báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Bắc Kinh "đặc biệt quan ngại" về kế hoạch triển khai các lực lượng của Mỹ tới Biển Đông.
"Tự do hàng hải không có nghĩa là các tàu thuyền và máy bay quân sự nước ngoài có thể tiến vào hải phận và không phận của nước khác một cách tùy tiện", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói.
Trung Quốc mở rộng sức mạnh hải quân để hiện thức hóa âm mưu bành trướng Biển Đông và biển Hoa Đông. |
Còn theo tờ Duowei, Mỹ đang cho triển khai "một số mánh khóe" trên Biển Đông để cảnh báo Trung Quốc rằng vùng biển này đang nằm trong tầm ngắm của giới quan sát. Mặc dù, Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng rõ ràng, Washington đang cố gắng bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua hành động can thiệp gián tiếp dưới dạng hỗ trợ các nước có xung đột với Trung Quốc và ngăn chặn chiến lược bành trướng của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ví dụ, hồi năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Hillary Clinton đã khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ Philippines chống lại các hành động xâm chiếm trên Biển Đông từ phía Trung Quốc dựa trên Hiệp ước quốc phòng song phương Mỹ - Philippines đã được hai bên ký kết vào năm 1952.
Tới tháng 12/2011, Hải quân Mỹ đã cung cấp cho Philippines một tàu do thám để làm nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Chưa đầy 5 tháng sau, Hải quân Philippines đã đưa con tàu này tới khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh là bãi cạn Scarborough. Kết quả là tình trạng đối đầu căng thẳng giữa quân đội Philippines – Trung Quốc đã kéo dài suốt vài tháng.
Ngoài ra, Mỹ cũng đẩy mạnh cả về quy mô lẫn tần suất các chương trình tập trận hải quân chung với Philippines đặc biệt là trong tháng Tư.
Trước đây, Mỹ hiếm khi đưa ra những lời "khẩu chiến" cảnh báo Trung Quốc vốn chỉ mang tính hình thức. Nhưng hiện tại, các hành động của Washington đã mang tính thực tế và có thể tạo ra những thay đổi lớn trong khu vực, theo Duowei.
Hành động của Mỹ đã khiến thái độ của Trung Quốc buộc phải thay đổi. Điển hình, hồi tháng trước, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Wu Shengli đã "đổi giọng" khi đề xuất với người đồng cấp Mỹ, Tướng Jonathan Greenert, mời chào quân đội Mỹ và các nước khác cùng sử dụng những căn cứ xây dựng trái phép trên Biển Đông cho mục đích cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thảm họa. Đô đốc Wu còn biện minh rằng những hành động của Trung Quốc "sẽ không đe dọa tới quyền tự do hàng hải và hàng không".
Đáp lại, quyền Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke tuyên bố Washington "không hứng thú" với lời đề nghị từ phía Trung Quốc đồng thời kêu gọi Bắc Kinh có hành động giảm thiểu căng thẳng trong khu vực.
Trên thực tế, Washington tự nhận thấy rằng việc dùng lời nói để thuyết phục Bắc Kinh dừng mở rộng tầm ảnh hưởng trên Biển Đông đã không còn hiệu quả, do đó, Mỹ hiện đang nỗ lực thắt chặt quan hệ với các đối tác và liên minh quốc tế để ra sức ép với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Duowei, những hành động của Mỹ trong khu vực chỉ nhằm phục vụ lợi ích của quốc gia này. Nói cách khác, cái gọi là chính sách "tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương" có nghĩa là tình thế cân bằng tại khu vực này sẽ không còn được duy trì lâu".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Duowei News, tờ tin tức chính trị viết bằng tiếng Trung Quốc và được xuất bản tại Mỹ.