Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay
Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay
![]() |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị làm việc trong 3 ngày, từ 27 - 29/2. Đây là Hội nghị lớn nhất về phổ biến một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương từ trước đến nay.
Tham dự Hội nghị có trên 1.000 đại biểu, gồm các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng (chính thức và dự khuyết); lãnh đạo các ban và cơ quan Đảng T.Ư; thành viên các ban cán sự, đảng đoàn; ủy viên thường vụ Quân ủy T.Ư, Đảng ủy Công an T.Ư; thành viên lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Chính phủ; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư; Ủy ban Kiểm tra T.Ư và toàn thể các lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu nêu rõ ý nghĩa của Hội nghị lần này nhằm giúp các lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những kiến thức cần thiết, những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực thuộc trách nhiệm lãnh đạo của mình.
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giới thiệu, phân tích, làm rõ các quan điểm, nội dung quan trọng trong Nghị quyết của T.Ư và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tập trung vào 4 vấn đề: Sự cần thiết phải bàn và ra Nghị quyết về xây dựng Đảng; mục đích, yêu cầu, quá trình chuẩn bị, phạm vi của Nghị quyết; những nội dung cơ bản của Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị của Bộ Chính trị; những vấn đề cần lưu ý trong chỉ đạo học tập, quán triệt và tổ chức chực hiện.
Tổng Bí thư chỉ rõ, từ trước đến nay, nhất là trong hơn 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta hết sức quan tâm đến công tác xây dựng Đảng; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng, nhờ đó,tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Phân tích 4 lý do cần thiết phải ban hành Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc, đúc rút qua quá trình hơn 80 năm hoạt động của Đảng. Càng đi vào đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, càng cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng; đây là nhân tố đảm bảo thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa.
Thứ ba, Đảng ta, bên cạnh mặt tích cực, phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp, đang đứng trước các yêu cầu, nhiệm vụ mới, phải khắc phục, đẩy lùi những yếu kém, tiêu cực, phức tạp gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ tư, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá điên cuồng sự nghiệp đổi mới của đất nước ta nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình trên, Đảng ta luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo, tập trung vào 3 vấn đề cấp bách:
Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp T.Ư nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung đó có quan hệ gắn bó, trong đó, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tập trung nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến để tạo thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Cũng trong sáng 27/2, Hội nghị đã nghe đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phổ biến dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của T.Ư và Chỉ thị của Bộ Chính trị; đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư phổ biến Hướng dẫn kế hoạch kiểm điểm, tự phê bình, phê bình của cán bộ, đảng viên.
Chiều 27/2, Hội nghị nghe đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư phổ biến Hướng dẫn thực hiện "Quy định về những điều đảng viên không được làm"; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư phổ biến Hướng dẫn Kế hoạch công tác tư tưởng và Kế hoạch tiếp tục triển khai Chỉ thị 03/CT-TW về "tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Trong các ngày diễn ra Hội nghị, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đại biểu thảo luận quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị; góp ý vào dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các biện pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4.
Hội nghị tiếp tục làm việc đến ngày 29/2.
BTV