Bloomberg: Đức nên rời Eurozone
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Đức Angela Merkel.Ảnh: Getty Images |
Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn và những lời trách cứ lẫn nhau giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế, thật khó để có thể tìm thấy bên nào chiến thắng. Trong khi Hy Lạp buộc phải "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa để đổi i lấy gói cứu trợ thì biểu tượng đoàn kết của châu Âu cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, các thỏa thuận Hy Lạp đã đạt được với các chủ nợ cho đến giờ vẫn thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế của nước này.
Theo Bloomberg, Đức đã phạm một điều cấm kị về chính trị khi đề xuất ép Hy Lạp "thắt lưng buộc bụng" nếu không sẽ bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nguyên nhân là bởi vì, trong nhiều thập kỷ qua, các chính trị gia đã xây dựng đồng tiền chung euro như một biểu tượng về sự thống nhất và đoàn kết của châu Âu.
Tuy nhiên, biểu tượng này đã bị tổn thương khi hôm 11/7 vừa qua, các bộ trưởng tài chính châu Âu đã đi đến thống nhất rằng liên minh này có thể loại bỏ một nước thành viên nào đó nếu có lý do hợp lý. Họ cho rằng, trong trường hợp không đạt được thoả thuận, Hy Lạp sẽ buộc phải rời Eurozone.
Mặc dù, với những thỏa thuận vừa qua, khả năng Hy Lạp rời Eurozone đã không còn nữa, ít nhất là trong thời gian sắp tới, nhưng những hậu quả chính trị hay những bài học xuất phát từ những tranh cãi vừa qua không phải là ít.
Nếu Hy Lạp rời đi, Bồ Đào Nha và Italia có thể sẽ rời theo trong những năm tới. Đồng tiền mới của những nước này sẽ nhanh chóng bị rớt giá, khiến họ không thể trả nợ được bằng đồng euro và có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ. Mặc dù việc đồng tiền mất giá có thể khiến những nước này có khả năng cạnh tranh hơn, nhưng những ảnh hưởng về kinh tế có thể kéo dài và chắc chắn sẽ có tác động tới nhiều quốc gia châu Âu khác.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế như nhà sáng lập quỹ đầu tư Citadel, ông Kenneth Griffin, nhà kinh tế học Anil Kashyap và nhà đầu tư George Soros, nếu Đức rời Eurozone thì sẽ chẳng có ai bị thiệt hại.
Từ trái qua phải, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Bỉ Charles Michel tham dự hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo khu vực đồng euro tại Brussels, Bỉ hôm 12/7/2015. |
Nếu Đức quay trở lại dùng đồng mark Đức hay còn được gọi là deutschmark, giá trị của đồng euro sẽ giảm ngay lập tức, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các quốc gia châu Âu, cái mà những nước này đang rất cần, đặc biệt là Italy, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp.
Đồng euro yếu hơn sẽ cung cấp cho họ cơ hội để bắt đầu tăng trưởng. Hơn nữa, các quốc gia khác như Hà Lan, Bỉ, Áo và Phần Lan với sự dẫn dắt của Đức có thể sẽ hình thành một khối đồng tiền mới, khiến đồng euro giảm giá hơn nữa.
Việc Đức rời Eurozone được đánh giá là sẽ có ít hậu quả nhất so với các nước thành viên khác. Điều này cũng có lợi hơn đối với bản thân nước Đức. Đồng mark Đức hiện đang có giá trị lớn hơn so với đồng Euro nên người Đức có thể sẽ đột nhiên trở nên giàu có hơn. Tài sản của người Đức ở nước ngoài sẽ có giá trị thấp hơn nhưng Đức sẽ dễ dàng trả các khoản nợ hơn.
Một số người Đức lo lắng rằng, việc đồng mark tăng giá sẽ làm cho các mặt hàng xuất khẩu của họ khó cạnh tranh hơn. Nhưng đây lại là một điều rất có lợi đối với thế giới và với cả Đức. Trong nhiều năm qua, nước Đức luôn có thặng dư tài khoản vãng lai rất lớn, có nghĩa là xuất khẩu lớn hơn nhiều so với nhập khẩu.
Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2014 đã đạt mức cao kỷ lục mới là 244 tỷ USD. Việc nhu cầu của Đức quá thấp đang làm suy yếu sự tăng trưởng của thế giới. Chính vì vậy mà Kho bạc Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế từ lâu đã thúc giục Đức tăng lượng nhập khẩu. Ngay cả Ủy ban châu Âu cũng cho rằng sự mất cân bằng trong tài khoản vãng lai của Đức đang quá lớn.
Người Đức biểu tình phản đối cách giải quyết khủng hoảng Hy Lạp của Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Ngoài ra, người Đức luôn biết cách để chống chọi với giá trị đồng mark lớn. Trước khi dùng đồng euro, đồng mark luôn có giá rất cao. Các công ty Đức đã thích nghi bằng cách sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn.
Ngoài kinh tế, theo Bloomberg, châu Âu sẽ được lợi cả về mặt chính trị khi Đức rời Eurozone bởi Đức đang tận hưởng vai trò "bá quyền" ở châu Âu nhưng lại không sẵn sàng trả giá. Bằng cách dùng các chính sách ép buộc, Đức đang làm tổn hại đến sự thống nhất và đoàn kết của châu Âu, thay vì xây dựng "một liên minh gần gũi hơn" ở châu Âu.
Ngay trong bản thân nước Đức cũng có mâu thuẫn về các chính sách của Đức ở Eurozone. Hôm 19/7 vừa qua, hàng ngàn người tại 14 thành phố lớn ở Đức đã xuống đường phản đối Thủ tướng Angela Merkel vì đã quá o ép với Hy Lạp.
Nhiều người cho rằng chính phủ của bà Merkel đã quá hung hăng. Không chỉ ở Đức, tại nhiều nơi khác ở châu Âu, nhiều người dân cũng tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối biện pháp giải quyết của châu Âu về khủng hoảng HyLạp.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.