Bình cứu hỏa trên ô tô: Chỉ nên khuyến cáo, chưa nên xử phạt!
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở lái xe trang bị bình chữa cháy tại đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Khi gõ cụm từ “bình chữa cháy trên ô tô” tìm kiếm trên Google, trong thời gian 0,45 giây, ta có được khoảng 1.420.000 kết quả.
Sở dĩ, vấn đề trên nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, bởi nó tác động trực tiếp đến cuộc sống bình thường của hàng triệu người đang sở hữu ô tô. Họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc “trang bị bình chữa cháy”, nếu không tới đây sẽ bị xử phạt. Đối với chủ xe ô tô, việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng để trang bị một bình chữa cháy không phải là vấn đề lớn. Song, việc mua bình chữa cháy loại nào khi mà thị trường đang nhiễu loạn, chất lượng ra sao, đặt ở vị trí nào trên xe cho dễ thao tác, cho chắc chắn, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ đi cùng xe… là những câu hỏi khiến nhiều người phân tâm, lo lắng.
Không thể không phân tâm, bởi nhiều chuyên gia hàng đầu về ô tô cho rằng: mang bình chữa cháy trong xe loại nhỏ có thể tiềm ẩn thêm nguy cơ cháy nổ. Muốn lắp đặt bình chữa cháy thì phải thay đổi thiết kế xe. Mua bình chữa cháy để dưới gầm ghế, vào hộc cửa xe sẽ rất nguy hiểm, vì khi xe chạy xảy ra rung lắc, va đập có thể dẫn đến nguy cơ nổ bình, nếu bình chữa cháy lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh sẽ dẫn đến tai nạn tức thì. Một số nhà khoa học phân tích, với xe dưới 9 chỗ ngồi, nơi phát hỏa thường xảy ra ở động cơ nằm phía trước xe. Khi đã cháy thì rất khó dập tắt vì động cơ và bình xăng được thiết kế khép kín…
Thực tế hiện nay trên thế giới mới chỉ có 14 quốc gia có quy định tương tự như ở Việt Nam. Ở khu vực Châu Á chưa có nước nào quy định, ngoại trừ Chính phủ Ấn Độ “đang đề xuất”. Ngay ở các nước châu Âu như Anh, Đức, Ý, Pháp… người sở hữu xe hơi cá nhân không cần có bình cứu hỏa trên xe, chỉ có taxi và phương tiện vận tải cỡ lớn mới có quy định trang bị bình cứu hỏa. Ở Canada, xe thương mại có trọng lượng từ 2.500kg mới phải gắn một bình cứu hỏa. Ở Mỹ cũng chỉ có xe tải, xe buýt mới phải trang bị bình cứu hỏa…
Người dân cho rằng, cái đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác phòng cháy, chữa cháy ở các chợ, chung cư, khu dân cư đông đúc ở các đô thị, trường học, bệnh viện, các hầm mỏ, công trường... Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần làm tốt công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực, địa bàn này. Bởi, cháy ở những nơi này thiệt hại là vô cùng lớn về người và tài sản. Chỉ tính 9 tháng của năm 2015, cả nước xảy ra 2.240 vụ cháy, làm chết 50 người, bị thương hơn 200 người, gây thiệt hại về tài sản trên 1.300 tỷ đồng.
Thiệt hại vô cùng lớn nêu trên đã khiến cho lực lượng Cảnh sát PCCC hết sức vất vả, nay lại “căng sức” ra kiểm tra hàng triệu xe ô tô có trang bị bình chữa cháy hay không để rồi xử phạt, là vấn đề cần tính toán lại nhiệm vụ “ưu tiên”. Nói cách khác, việc kiểm tra xử phạt tài xế không trang bị bình chữa cháy sẽ tốn thêm nhân lực mà hiệu quả xã hội không cao.
Ở một góc độ nữa, người dân cho rằng, ta ban hành chính sách, nhưng doanh nghiệp nước ngoài được lợi. Chủ trương của Bộ Chính trị về việc “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang được triển khai tích cực trong đời sống xã hội. Song, cho đến Thông tư 57 được áp dụng trong thực tiễn, thì câu chuyện về “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không còn mang tính khả thi nữa. Bởi lẽ, hầu hết các bình chữa cháy trên xe ô tô hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Trên cả nước hiện có 2,6 triệu xe ô tô, nếu chỉ tính trung bình mỗi bình chữa cháy có giá 100.000 đồng, thì tổng tiền của xã hội chi phí cho việc này là 260 tỷ đồng. Sự lãng phí này có nên không, khi mà báo cáo của cơ quan chức năng: Thiệt hại do cháy xe ô tô hàng năm chỉ là “vài tỷ đồng”?
Vẫn biết rằng, chủ trương để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân là đúng. Nhưng, vội vã đưa ngay thành chính sách (cho dù đã có ý kiến chưa đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông) và cũng chưa có báo cáo đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách là vấn đề cần xem xét lại. Chúng tôi cho rằng, trước hết chỉ nên quy định trang bị bình chữa cháy đạt chuẩn đặt trên các xe tải, xe chở khách, còn đối với xe gia đình dưới 9 chỗ ngồi chỉ nên khuyến cáo người dân, chủ xe về kỹ năng PCCC và cách chăm sóc, bảo dưỡng xe ô tô đúng định kỳ, đúng quy cách để phòng ngừa cháy nổ.
Tuyên truyền, giáo dục, khuyến cáo để người dân tự giác thực thi pháp luật có giá trị lâu bền và ý nghĩa xã hội tốt đẹp hơn nhiều so với các quy định cưỡng chế, xử phạt chưa khoa học.
Theo Dangcongsan.vnLên đời xe sang đón tết cùng Vinfast
Thị trường ô tô cuối năm sôi động khi lượng cầu tăng cao, nhiều khách hàng muốn “chốt” xe sớm để kịp hưởng chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ trước thời điểm kết thúc vào ngày 31/12/2020.
Mazda ưu đãi đặc biệt 10 ngày cuối tháng 4/2020
Mazda đồng loạt tăng ưu đãi chỉ trong 10 ngày từ 20-30/4 cho các mẫu xe, trong đó bộ đôi SUV Mazda CX-8 và Mazda CX-5 có mức ưu đãi cao nhất lên đến 150 triệu đồng.