Biểu tình dữ dội bùng nổ ở Hong Kong, giao thông tê liệt hoàn toàn
Rất nhiều người đã xuất hiện ở đường Lung Wo, một trục đường quan trọng nối từ đông sang tây Hong Kong và gần văn phòng của Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam, cũng như các khu vực xung quanh, buộc hàng trăm cảnh sát chống bạo động được triển khai để ngăn chặn. Những người tham gia biểu tình đến từ nhiều tầng lớp người dân Hong Kong khác nhau, trong khi nhiều doanh nghiệp ở thành phố cũng đồng loạt đình công.
Người dân Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc do bà Carrie Lam đề xướng. |
Một số người biểu tình đã dựng rào chắn tạm để chặn giao thông tại trung tâm của Hong Kong, và rất nhiều người đã chống đối cảnh sát. Cảnh tượng khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc biểu tình lớn ủng hộ dân chủ bùng nổ vào cuối năm 2014.
Chính quyền Hong Kong đã khuyên các viên chức tránh lái xe đến các tòa nhà chính phủ do các tuyến đường chính đã bị chặn lại.
Trước đó, bà Lam đã cam kết sẽ làm tất cả để dự luật này được áp dụng mặc dù nhiều người lo ngại sâu sắc khi cuộc biểu tình lần đầu tiên xảy ra vào ngày 9/6 vừa qua. Đạo luật này dự kiến sẽ trải qua một vòng thảo luận thứ hai tại Hội đồng Lập hiến của Hong Kong, và hiện vẫn chưa rõ liệu nó sẽ được áp dụng đúng như kế hoạch ban đầu hay không.
Người biểu tình đã dựng rào chắn trên các tuyến đường chính ở Hong Kong. |
Bà Lam cũng đã có những động thái nhằm trấn an người dân khi nói rằng chính quyền của bà đang thiết lập thêm những nội dung nữa trong đạo luật, trong đó bao gồm việc bảo vệ nhân quyền đối với người bị dẫn độ.
Đạo luật này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Nhiều chủ doanh nghiệp lớn ở Hong Kong đã cảnh báo rằng việc thông qua đạo luật dẫn độ có thể sẽ làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư đối với Hong Kong và bào mòn những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp nơi đây.
Việc cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ bùng nổ từ ngày 9/6 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cũng khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực điều hành của bà Lam và nội các của mình. Cuộc biểu tình cũng đưa Hong Kong vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới kể từ sau cuộc biểu tình năm 2014 xảy ra, khiến chính quyền bà Lam và những người ủng hộ bà ở Bắc Kinh phải chịu sức ép rất lớn.
Ước tính có đến hàng triệu người Hong Kongđã xuống đường biểu tình. |
Vị trí xảy ra cuộc biểu tình cách trung tâm tài chính của Hong Kong không xa. Đây là nơi có nhiều tòa nhà chọc trời và là trụ sở của những công ty lớn bậc nhất trên thế giới, trong đó có ngân hàng HSBC. HSBC và Standard Chartered, cùng với 4 doanh nghiệp kiểm toán thuộc nhóm Big Four (KPMG, Ernst & Young, Deloitte và PricewaterhouseCooper) đều đã tuyên bố sẽ áp dụng chính sách linh động giờ làm cho các nhân viên của mình trong ngày 12/6 này.
Anh đã trao trả Hong Kong cho Trung Quốc 22 năm về trước, và điều kiện mà hai bên đã thống nhất bao gồm việc quyền tự trị và tự do cũng như hệ thống pháp lý riêng biệt của Hong Kong, sẽ được bảo đảm.
Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích Trung Quốc can thiệp quá mức vào Hong Kong từ đó tới nay, bao gồm cản trở những hình thức cải tổ dân chủ, các hoạt động bầu cử địa phương và đứng đằng sau vụ mất tích của 5 tác giả viết sách ở Hong Kong chuyên có những tác phẩm chỉ trích các quan chức Trung Quốc từ năm 2015 tới nay.
Bất chấp sự hiện diện của cảnh sát, người biểu tình vẫn thể hiện quyết tâm của mình. |
Nhiều tổ chức nhân quyền cho biết những hình thức tra tấn, bắt giam người vô cớ, ép cung và khó khăn trong việc tiếp cận luật sư ở Trung Quốc là lý do vì sao nhiều người phản đối đạo luật dẫn độ về Đại lục của Hong Kong như vậy. Về phần mình, Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi chà đạp nhân quyền.