Biểu tình áo vàng ở Pháp: Xe bọc thép chuẩn bị được triển khai
Một quan chức chính phủ Pháp cho biết sẽ có 89.000 sĩ quan cảnh sát được triển khai trên khắp toàn quốc, trong số này sẽ có 8.000 người làm nhiệm vụ ở thủ đô và hàng chục xe bọc thép VBRG sẽ được huy động.
Xe bọc thép VBRG mà chính phủ Pháp sẽ điều động để chống bạo động. |
“Chúng tôi đang đối mặt với những kẻ không có ý định biểu tình mà là để đập phá những thứ xung quanh, và chúng tôi muốn đảm bảo rằng những kẻ này không thể làm những gì chúng muốn”, Thủ tướng Pháp Eduoard Philippe giải thích về việc triển khai xe VBRG, một loại xe quân sự có thể bắn đạn hơi cay, phá bỏ nhiều loại rào chắn và rất hiếm khi được dùng ở khu vực đô thị.
Vào ngày 7/12, nhiều khu vực ở Paris đã bị phong tỏa trong lúc cuộc biểu tình áo vàng đã bước sang tuần thứ tư. Nhiều ngân hàng, cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp đã vội vàng che chắn cửa sổ để bảo vệ mình khỏi những kẻ hôi của.
Tại Quảng trường Bastille, nhân viên lao công đã dọn dẹp những mảnh kim loại và hàng rào bê tông, đồng thời mang đi bất cứ những thứ gì có thể dùng để ném ra khu vực khác. Nhân viên của Nhà hát Bastille được cho là đã đưa toàn bộ nhạc cụ và thiết bị quan trọng tới nơi an toàn do lo ngại người biểu tình tấn công.
Người dân thủ đô Paris, ngay cả những người sống xa các khu vực đại lộ Champs Elysees, Khải Hoàn Môn và Quảng trường Concorde, những nơi xảy ra bạo động căng thẳng trong những tuần trước đó, đều được khuyên không được bỏ thùng rác ra phố do lo ngại chúng có thể dùng để đốt lửa.
Cuộc biểu tình đã trở thành bạo động vào ngày 1/12, khi rất nhiều những kẻ quá khích đã có ẩu đả với cảnh sát, đốt phá nhiều xe hơi và ăn trộm các cửa hàng. Những điểm du lịch nổi tiếng ở Paris như Tháp Eiffel và Bảo tàng Louvre vẫn tiếp tục bị đóng cửa do bạo loạn. Tại thành phố Bordeaux, nhiều địa điểm công cộng sẽ bị đóng cửa. 6 trận đấu bóng đá trong khuôn khổ giải Ligue 1 đã bị hủy bỏ.
Cuộc biểu tình áo vàng ban đầu diễn ra nhằm phản đối chính sách gia tăng thuế xăng và dầu diesel, và tên của nó bắt nguồn từ loại áo gilê màu vàng mà theo luật của Pháp tất cả những người tham gia giao thông phải mang theo trong xe của mình. Sau đó, hoạt động này trở thành một phong trào chống chính phủ quy mô lớn và người biểu tình cũng phản đối nhiều vấn đề khác liên quan đến chất lượng sống của mình ở Pháp.
Sự tức giận của họ chủ yếu nhằm vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người mà họ cho là lạnh lùng, xa rời thực tế và một chính phủ bị coi là luôn đứng về tầng lớp tinh hoa ở Pháp mà không chú trọng đến những người dân có thu nhập trung bình.