Biến chứng không ngờ khi phẫu thuật cận, loạn thị
Đó là những thông tin chia sẻ tại Hội thảo “Cập nhật những kỹ thuật mới về điều trị tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND”. Ths. BS Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND chia sẻ: Nguyên nhân khiến gia tăng cận thị là bố mẹ ít có thời gian chơi cùng con nên đưa cho con smart phone, ipad. Việc trẻ ngồi hàng giờ tập trung vào điện thoại, ipad khiến điều tiết của mắt nhiều hơn bình thường.
Do tình trạng mắt nhìn nhiều liên tục ở cự ly ngắn làm gia tăng điều tiết của mắt, lâu dần nếu không có điều chỉnh kịp thời sẽ làm cho trẻ cận thị. Tình trạng này thành vòng xoáy lặp đi lặp lại làm cho tình trạng cận thị tăng nhanh, tiến triển nhanh.
Có những biến chứng không ngờ khi phẫu thuật cận, loạn thị. |
Lý do mà Ths.BS Quỳnh đưa ra là hiện hầu hết những trường học trong khu vực nội thành các thành phố lớn khuôn viên bị thu hẹp.
“Mặc dù tiêu chuẩn ánh sáng được đặt ra nhưng trẻ thường được học bằng ánh sáng từ đèn điện-nhất là ở thành phố. Trong khi ánh sáng tự nhiên giúp mắt điều tiết tốt, khỏe mạnh thì các con ít có cơ hội được tiếp xúc. Đồng thời, bố mẹ không ý thức và chia sẻ cùng các con về tư thế ngồi học. Ở lớp giáo viên không thể nhắc nhở thường xuyên nên trẻ hay cúi gằm xuống để nhìn cũng làm gia tăng nguy cơ cận thị”, BS Quỳnh nhấn mạnh.
Theo BS Đặng Thị Như Quỳnh, khi phát hiện có những tổn thương ở đáy mắt, người bị cận, loạn thị cao cần tăng tần suất khám mắt định kỳ (khoảng 3 tháng/lần). Ngoài ra, với những người có độ cận từ 10-15 Diop cần hạn chế tối đa vận động mạnh, không chơi những môn thể thao đòi hỏi dùng sức nhiều như bóng đá, bóng rổ, chạy… hay các môn thể thao đối kháng.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân cận, loạn thị cao nói chung và có tật khúc xạ nói riêng luôn phải tuân thủ lịch khám 3-6 tháng/lần để đeo kính đúng số và kiểm soát biến chứng ở đáy mắt. Với trẻ trên 10 tuổi có thể sử dụng kính áp tròng ban đêm Ortho-K để duy trì hạn chế tăng số kính, giúp kiểm soát tình trạng khúc xạ. Với những người trưởng thành thì có thể tìm hiểu các phương pháp phẫu thuật điều trị dứt điểm tật khúc xạ.
Hiện nay một số phương pháp phẫu thuật phù hợp với những người có độ cận, loạn thị cao đang được áp dụng như: ReLEx SMILE, Femto-Lasik và SmartSurfACE cho phép điều trị độ cận tới 14 Diop, loạn đến 5 Diop. Các phương pháp Laser hiện đại này không sử dụng dao vi phẫu và không chạm vào mắt giúp cuộc phẫu thuật diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái. Thị lực phục hồi nhanh chóng trong 24 giờ sau mổ. Tuy nhiên, BS Như Quỳnh lưu ý không phải phương pháp phẫu thuật nào cũng phù hợp với tất cả bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cận thị, loạn thị cao. Điều này phụ thuộc vào kết quả khám trên từng mắt của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất.
“Với những bệnh nhân cận thị, loạn thị cao khi phẫu thuật có nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cao hơn những bệnh nhân cận dưới 7 Diop. Nếu không đánh giá được toàn diện chất lượng của giác mạc trước khi phẫu thuật, rủi ro sau phẫu thuật cho bệnh nhân cận, loạn cao sẽ cao hơn. Một trong những biến chứng đáng quan tâm nhất hiện nay là giãn lồi giác mạc sau phẫu thuật, gây suy giảm thị lực không cải thiện khi chỉnh kính, nặng hơn dẫn tới đục/sẹo giác mạc không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, để xác định bệnh nhân cận, loạn cao có phẫu thuật được bằng Laser hay không thì bệnh nhân cần được trải qua quy trình khám chuyên sâu trước phẫu thuật”, BS Như Quỳnh nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, cận loạn thị có thể phòng ngừa. Theo đó, điều quan trọng nhất đó là cho mắt được nghỉ ngơi. Ở các trường học, sau 45 phút của tiết học là giờ giải lao, điều này giúp mắt trẻ được thư giãn. Do đó, phương pháp này cũng nên áp dụng cho trẻ khi học tập ở nhà, nếu mắt phải quan sát liên tục, không được nghỉ ngơi có thể khiến mắt nhanh cận thị.
Thứ hai, học tập, làm việc ở nơi thiếu ánh sáng là nguyên nhân hàng đầu khiến mắt bị tật khúc xạ mắt. Muốn mắt được khỏe chúng ta phải cho trẻ học tập ở nơi đầy đủ ánh sáng. Vào ban đêm, hãy chuẩn bị đèn học cho trẻ khi học bài, làm bài. Học tập, giải trí là hoạt động thường ngày của trẻ. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không quan tâm đến khoảng cách khi trẻ đọc sách, làm bài tập hay xem tivi, máy vi tính… mắt trẻ có thể cận loạn thị khi khoảng cách quá gần. Nên đảm bảo khoảng cách đọc sách và viết của trẻ là 25-40 cm, tùy từng lứa tuổi và chiều cao. Khoảng cách quá gần sẽ làm mắt phải nỗ lực điều tiết, làm mắt mệt mỏi, gia tăng độ cận thị.
Mỗi ngày không nên cho trẻ xem tivi nhiều để bảo vệ mắt trẻ. Cho trẻ ngồi cách tivi khoảng 3m. Nếu ngồi xem máy vi tính thì khoảng cách với màn hình là 60cm để giảm khả năng mắt phải điều tiết và những ảnh hưởng xấu từ ánh sáng xanh của màn hình.
Ngoài ra, việc ăn đầy đủ chất là một cách để bảo vệ đôi mắt của trẻ. Đặc biệt đối với các chất như vitamin A, E, C rất tốt cho mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hóa võng mạc… Các chất này có nhiều trong rau củ, trái cây có màu đỏ, vị chua, thịt, cá biển, trứng.